Nghi thức cúng lúa trổ bông của người K'ho
Thứ hai, 00:00, 21/08/2017 Việt Phú bt ct+ 1 ảnh Việt Phú bt ct+ 1 ảnh
VOV4.VN - Cuộc sống gắn liền với nông nghiệp, nên tín ngưỡng, văn hóa của người K’ho xoay quanh chu kỳ mùa vụ. Nhiều lễ hội liên quan đến cây lúa được bà con thực hiện như cúng gieo hạt, cúng lúa trổ bông, cất lúa vào kho... Cây nêu là thứ không thể thiếu trong các nghi lễ của người K’ho.

Cây nêu kết nối con người với thần linh

 

Với đồng bào K’ho ở tỉnh Lâm Đồng, trong các nghi lễ, lễ hội lớn của gia đình hay của buôn làng thì cây nêu không thể thiếu. Người K’ho quan niệm: Cây nêu kết nối con người và thần linh. Tùy vào từng nghi thức mà cây nêu được làm dài ngắn khác nhau. 

Theo bà Bơna Ria Maly, ở xã Pró, huyện Đơn Dương, toàn bộ cuộc sống của người K’ho, đặc biệt là những tín ngưỡng xung quanh cây lúa hay nói rộng hơn là tín ngưỡng nông nghiệp, đều thể hiện trên một thân tre hay thân lồ ô dài. Có vùng, cây nêu dài từ 8-10m, được người dân trang trí nhiều tua, hình con chim, con chuột, hình nhân. 

Thường thì cột nêu có ba màu chính là: đen, đỏ và trắng. Trong đó, màu đen tượng trưng cho đất, màu trắng là trời và màu đỏ là lửa. Những màu sắc này đều được lấy trong tự nhiên mà chỉ có các cụ ông mới biết cách. 

Cây nêu trong lễ cúng lúa trổ bông của người K'ho. Ảnh: Việt Phú

Cột nêu chia làm ba tầng, tầng sát đất sẽ là nơi cúng Giàng. Đây là nơi bày biện đồ lễ, nơi buộc trâu để thực hiện nghi lễ giết trâu. Tầng thứ hai là nơi trú ngụ của Giàng, có những tua rua và những cánh tay bằng tre vươn ra thể hiện sự che chở. Tiếp đến là phần cánh, với những ngọn tre nhỏ cong vút, treo tượng những con vật thân thuộc. Phần trên cùng là nơi để đồ cúng đã được nấu chín.

Cây nêu là một biểu tượng văn hóa tâm linh với đồng bào K’ho. Bà con cho rằng: nhờ cây nêu mà con người giao tiếp được với thần linh, cầu xin thần linh những điều tốt đẹp nhất và cũng từ cây nêu, họ thêm vững tin cuộc sống.

 

Người K'ho giết con thịt lấy máu cúng Giàng trong lễ cúng lúa trổ bông

 

Theo nghệ nhân Kra Jăn Đích, ở Đơn Dương, trong tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ cây lúa thì người K’ho có rất nhiều nghi thức độc đáo. Mỗi một mùa vụ có một nghi thức và sự kiêng kỵ riêng. Có thể cấm đi đứng, cấm ăn uống, cấm đi đâu xa..

Lễ cúng lúa trổ bông thường vào tháng 7 dương lịch hàng năm. Đây là nghi thức mang tính cộng đồng, nên cả làng đều tham gia. Mọi sự đóng góp và phân công công việc được thực hiện dưới sự hướng dẫn của già làng. 

Người ta chọn bông lúa tốt nhất, treo lên bàn thờ và mổ con gà, lấy máu phết lên bồ lúa, cầu cho bồ luôn đầy, đừng hao hụt. Khi cúng hạt lúa, hạt gạo, người K'ho đọc câu "thần chú" kêu gọi hồn lúa, tổ lúa cho mùa sây hạt... Với người K'ho, cây lúa có thần, có tổ tông.

Khi cúng trong từng gia đình đã xong, dân làng tập trung ra khoảnh ruộng đã được già làng cùng các bô lão lựa chọn. Phụ nữ sẽ không được tham gia nghi lễ này. Bởi theo quan niệm của người K'ho, phụ nữ không trong sạch vì chu kỳ sinh đẻ. Giàng không muốn họ có mặt trong nghi lễ thiêng.

Sau nghi thức đổ tượng trưng một chút huyết trâu vào ruộng của từng gia đình, lễ cúng mừng lúa trổ bông kết thúc. Dân làng xẻ thịt trâu, chia đều xương, thịt, da cho từng nhà. Những người chung họ tộc tập trung ăn uống vui vẻ, đánh cồng chiêng cho tới tận khi trời chạng vạng mới chia tay ra về. Ai cũng hân hoan, bởi bà con tin rằng thần linh đã chứng giám cho mình và sẽ phù hộ cho họ cuộc sống ấm no.

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú bt ct+ 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC