Người Xơ teng cúng con dúi cho Yang nước để cầu nguồn nước dồi dào
Thứ sáu, 00:00, 18/08/2017
VOV4.VN - Nếu không có con dúi làm vật tế lễ, thì xem như lễ hội không có giá trị. Đó là quy định với Lễ hội bắc máng nước. Cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm, người Xơ đăng nhánh Xơ teng ở huyện Tu Mrông (tỉnh Kon Tum) thường tổ chức Lễ hội bắc máng nước, mong cho nguồn nước dồi dào, dân làng được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội bắc máng nước của người Xơ đăng vùng Tu Mrông thường diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, già làng cùng bà con đi tìm nguồn nước. Khi phát hiện nguồn nước, già làng giao cho đàn ông, thanh niên lên rừng chặt cây tre bắc ngang qua nguồn nước để làm nghi thức lễ xin “Yàng (Thần) nước’’ cho phép bắc nước về làng.

Tái hiện nghi lễ bắc máng nước

Ông A Bau, ở làng Năng Lớn Ba, cho biết: ‘’Theo phong tục của bà con, trước khi đến tháng tổ chức ăn mừng lúa mới, bà con thường sửa lại máng nước để có nước sinh hoạt. Việc sửa lại máng nước là do già làng quyết định, thông báo tất cả mọi người cùng đi tìm nguồn nước. Nếu thấy nguồn nước phù hợp rồi thì về thông báo lại cho làng, sau đó đàn ông chặt cây tre, lồ ô, nứa bắc máng, dẫn nước về làng’’.

Ngày thứ hai, phụ nữ được già làng giao việc phát dọn đường đi từ làng đến nơi có nước, còn đàn ông đi chọn chặt cây lồ ô, nối với nhau làm máng đưa nước về làng. Tại nguồn nước, họ dùng cây le hoặc cây nứa làm trụ đỡ máng nước, phía dưới đào thành bể chứa. 

Một số nam thanh niên thì lên rừng tìm cây “Loăng pleăng’’ (một loại tre có thân thẳng). Họ chặt cây cao và đẹp nhất trong khu rừng mang về làm cây nêu (loăng kâng). Cây nêu được trang trí các hoa văn (rơneăm), chuông gió (kơríu), vật tô tem …, và dựng tại nơi linh thiêng (tíng) phía đầu nguồn.  Đây là cầu nối để các Yàng về chứng giám lòng thành của người dân.

Ông A Ngich, trưởng thôn Năng Lớn Ba, cho biết:  ‘’Ý nghĩa của Lễ hội bắc máng nước là mong thần linh phù hộ cho cả làng mùa màng được bội thu, mọi gia đình đều có cơm no, áo ấm. Thứ hai, cầu mong cả làng được bình an, có sức khỏe, có nhiều nước để dùng cho sinh hoạt hàng ngày.  Bà con chúng tôi mong có nước dồi dào để tưới tiêu lúa bắp, cây trồng…’’.

Nam nữ thanh niên đánh cồng chiêng, múa hát mừng nguồn nước đã về làng

Ngày thứ ba là ngày lễ chính thức của lễ bắc máng nước. Bà con trong làng tập trung đông đủ tại nhà rông. Già làng căn dặn, phân công phần việc cho mọi người. Sau đó, chỉ đàn ông, nam thanh niên được phép đi cùng già làng đến nguồn nước, đem theo con dúi làm lễ vật.  

Đến nơi, già làng dùng tấm phên đan bằng nứa để đậy bể nước, tránh rác rưởi, lá cây rơi rụng làm bẩn nguồn nước.  Những người đàn ông cắt tiết con dúi đựng vào ống nứa. Người Xơđăng quan niệm lễ cúng máng nước phải dùng máu dúi để cúng Yàng mới tinh khiết và nhiều may mắn, cho lúa bắp đầy kho, trâu bò đầy chuồng, mọi người khỏe mạnh, nguồn nước dồi dào; con chim, con chuột, thú dữ không phá hoại mùa màng.

Già làng A Peo cầm ống đựng máu dúi cất lời cầu khấn: “Ơ Yàng nước, Yàng  rừng! Hôm nay xin Yàng cho phép chúng tôi bắc máng nước từ nơi này về tới làng. Chúng tôi bắc máng này là để dẫn nước về cho mỗi gia đình, cho con cháu có nước để nấu cơm ăn, để mọi gia đình được ấm no, có sức khỏe cầm cuốc, cầm dao phát nương, làm rẫy. Mọi người trong làng không bị ốm đau, có sức lên rừng săn bắt con chim, khỏe mạnh để đào con dúi, có sức chăm lo ông bà, cha mẹ. Con cái, cháu chắt được tắm mát sẽ mau lớn khôn, ngoan ngoãn, giỏi giang; họ hàng làng gần thôn xa biết thương yêu, giúp đỡ nhau, làm ăn sản xuất ngày càng phát triển. Ơ  Yàng!...’’

Khi cầu khấn xong, già làng đổ máu dúi vào nguồn nước. Máu hoà vào nước chảy theo ống lồ ô về tận làng. Phía cuối máng nước, một người phụ nữ đã chờ sẵn (thông thường là vợ già làng), hứng lấy nước có máu dúi, chia cho từng gia đình. Mọi người dùng nước đó rót vào ché rượu cần, và đựng vào bầu đem về nhà để nấu cơm canh.

Già làng mời tất cả mọi người, từ già đến trẻ, tập trung tại nhà rông, tổ chức ăn mừng, gọi là Mừng Lễ bắc máng nước (Tíng Kleăng kơneăng têa). Mỗi gia đình mang đến những món ẩm thực truyền thống, cùng chung vui, uống rượu cần, đánh cồng đánh chiêng, múa hát.  Ngày hội rất tưng bừng vì nước đã về tận làng.

Lễ hội bắc máng nước vẫn được người Xơ teng ở nhiều vùng của Tu Mrông duy trì, cầu mong nguồn nước dồi dào, mưa thuận gió hoà, mọi gia đình đều có cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc; lúa bắp đầy kho, trâu bò đầy chuồng, mọi người luôn mến thương nhau.  Đây cũng là cách để bà con đoàn kết cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, giữ sạch nguồn nước - nguồn của sự sống.

 

 

Nhát Lisa/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC