Cây dược liệu đột phát phát triển kinh tế Bản Già
Thứ năm, 00:00, 22/03/2018 Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh
VOV4.VN - Bản già, là một xã vùng sâu, vùng xa, vùng 135 của huyện Bắc Hà. Toàn xã có gần 300 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người Mông, người Tày, người Phù Lá. Trước kia, đồng bào dân tộc nơi đây chỉ sống dựa vào cây lúa, cây ngô. Từ năm 2016, xã Bản Già đã chuyển đổi một phần diện tích lúa, ngô sang trồng dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

 

Thoát nghèo nhờ trồng dược liệu
Con đường từ trung tâm xã Bản Già vào liên thôn đặc quánh sương mù. Dọc đường, loang loáng những luống đương quy được phủ ni lông kín mít trải dài tít tắp. Các chị người Phù Lá, người Mông lúi húi dọn cỏ, vun luống theo sự chỉ dẫn của anh cán bộ khuyến nông xã, mặc cái lạnh tê tái của tiết trời 3 độ C. 
Chị Tráng Sín Tờ ngó nghiêng dưới tấm ni lông, khoe: “Cán bộ xã vào hướng dẫn làm phân, làm luống, bảo thế nào mình làm thế đấy. Tận tình giúp mình lắm, đương quy nhà mình không có sâu bệnh gì cả”. Trước kia, nhà chị Tờ chỉ trồng ngô, lúa/vụ/năm. Thu hoạch chẳng đủ ăn.

Năm ngoái, theo chủ trương của xã, gia đình chị chuyển 0,2 ha lúa sang trồng đương quy. Được hỗ trợ giống, phân bón và nilon phủ mặt luống, cuối năm, gia đình chị thu được 2 tấn củ tươi, lãi tới 50 triệu đồng. Chị bảo chưa bao giờ được cầm số tiền lớn như thế: “Nhà mình nứt hết rồi. Tiền này sẽ để xây nhà. Mình tiếp tục trồng đương quy, giờ là 0,5ha rồi. Cây đang lên mầm rất tốt”.


Những luống đương quy đang lên mầm

Nhà chị Thào Thị Chư, cùng thôn, cũng có một mùa bội thu đương quy. Hơn 0,3ha cây chị dày công chăm bón đang nảy mầm, cứng cáp. Vụ đương quy năm ngoái, gia đình chị thu hoạch thuộc loại nhiều nhất thôn Bản Già: “Nhà mình thu được 2,5 tấn, bán 60 triệu. Nuôi được 4 đứa ăn học. Có tiền, mình sẽ làm lại nhà, mua thêm 2 - 3 con lợn, xây thêm chuồng để chăn nuôi”.
Chủ tịch UBND xã Bản Già Thào Seo Thề cho biết, từ năm 2012 - 2013, xã triển khai thí điểm trồng atiso. Nhiều hộ khấm khá nhờ vào cây dược liệu này. Tuy nhiên, đến năm 2016, khí hậu có nhiều biến đổi, mưa tuyết xuất hiện dày đặc khiến atiso chết hàng loạt. Nhận thấy đương quy phù hợp thời tiết khắc nghiệt, Bản Già đã nhanh chóng chuyển sang trồng đương quy. Hiện toàn xã đã có 11 hộ trồng đương quy với diện tích gần 3ha.
“Chúng tôi thu mua được 16,2 tấn củ tươi, bán cho công ty Traphaco. Bình quân giá bán là 20.000 đồng/kg. Cây dược liệu này tuy 20.000 đồng/kg, không nhiều tiền nhưng so với cây ngô, cây lúa nó gấp 4 – 5 lần. Đó là một cây đem lại xóa đói giảm nghèo cơ bản và đột phá của Bản Già" - theo ông Thề.
Ngoài đương quy, Bản Già đang trồng thêm cây cát cánh. Ông Thào Seo Thề nhận định, đây cũng là một trong số cây trồng mang tính đột phát để phát triển kinh tế Bản Già.
Phát triển dược liệu nguyên liệu sạch
Ông Bùi Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà, cho biết, từ hiệu quả kinh tế khi chuyển sang trồng cây dược liệu ở Bản Già, UBND huyện đã chỉ đạo các xã có điều kiện tương tự chuyển đổi các diện tích trồng ngô, lúa kém chất lượng sang trồng dược liệu. Với gần 100ha cây dược liệu, Bắc Hà dự kiến sẽ hình thành một vùng nguyên liệu sạch, nâng giá trị cho giống cây với diện tích lớn hơn. 
“Chúng tôi đang trồng một số loại cây như atiso, đương quy, cây cát cánh, đẳng sâm. Các cây này mang lại giá trị kinh tế cao. Bình quân giá trị canh tác là 200 triệu đồng/ha. Chúng tôi đang hướng đến công nghệ nông nghiệp sạch với việc quy hoạch dược liệu tại 9 xã: Lùng Phình, Bản Già, Lùng Cải, Tả Van Chư, Na Hối, Lẩu Thúy Ngài… để hình thành nguồn nguyên liệu sạch, nâng cao giá trị của cây dược liệu” - ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, trong Dự án phát triển dược liệu năm 2014 – 20120, Bắc Hà đang đề nghị UBND tỉnh mở rộng quy mô trồng cây dược liệu lên khoảng gần 200ha. Tới nay, đã có 5 công ty ký kết hợp đồng tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.

 



Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC