Gia Lai: Dựa vào dân để giữ rừng
Thứ sáu, 10:16, 19/11/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Chính sách trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng dân cư đã mang lại hiệu quả trong công tác giữ rừng tại Gia Lai, giúp người dân dần thay đổi thói quen, hạn chế xâm hại rừng.

 

Theo phân công của làng Kon Chrah, giữa tháng 11/2021 này, ông Băk và 2 hộ dân khác cùng các cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ Hra (xã Hra, huyện Mang Yang) đi tuần tra trên diện tích hơn 950 ha rừng được giao khoán, bảo vệ.

Mỗi đợt đi tuần mất khoảng 2 ngày đêm. Nếu như trước đây, người dân trong làng khai thác cây rừng để làm nhà, hay phát rừng làm rẫy; thì nay dân làng Kon Chrah sẽ cùng giữ rừng, và được chi trả 400.000 đồng/1 ha/năm. Chia ra trung bình mỗi hộ dân được 9,5 triệu đồng mỗi năm từ việc nhận giao khoán, bảo vệ rừng. Đây là nguồn kinh phí ổn định giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Ông Băk cho biết: Trong làng, chúng tôi cũng tuyên truyền rất nhiều. Rừng nhà nước giao cho chúng tôi, thì làng không được phá rừng, không được  đốt nương làm rẫy. Nếu phát hiện làm nương rẫy, chúng tôi báo cơ quan. 6 tháng, nhà nước phát tiền một lần, dân làng đỡ khó khăn hơn vì số hộ đói nghèo vẫn còn nhiều.

Tại huyện Mang Yang cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp đơn vị được giao bảo vệ là hơn 13.800 ha, trong đó có hơn 10.400 ha rừng tự nhiên. Rừng tại đây có trữ lượng gỗ cao, nhiều loại có giá trị. Rừng sát Quốc lộ 19, sát với nương rẫy của người dân nên công tác bảo vệ rừng có giai đoạn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện giao khoán hơn 6.400 ha rừng cho 376 hộ dân, chủ yếu là người Bahnar ở 12 cộng đồng sống gần rừng, thì hiệu quả bảo vệ rừng được nâng cao rõ rệt.  

Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hra, huyện Mang Yang cho biết: Trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, dựa vào dân là chủ yếu. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện tốt vai trò người uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, giác ngộ người dân. Nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Mang Yang không có hiện tượng lấn chiếm đất rừng. Rừng được quản lý, bảo vệ. Qua các lần thanh tra, kiểm tra, diện tích rừng không bị suy giảm”.

Tuyên truyền pháp luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho bà con.

Năm 2021, tỉnh Gia Lai có hơn 468.700 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trong số đó, có 123.000 ha rừng được giao cho trên 10.600 hộ dân tại các cộng đồng dân cư, chủ yếu là người Jrai, Bahnar sinh sống gần rừng bảo vệ.

Việc chi trả kinh phí giao khoán, bảo vệ rừng có ý nghĩa rất lớn đối với người dân địa phương, bởi đây là nguồn tiền ổn định để bà con mua cây con giống, nông cụ, đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Khi đời sống người dân được nâng cao, thì sẽ giảm phụ thuộc vào rừng, góp phần giữ rừng:

Ông Nguyễn Xuân Thưởng- Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Gia Lai cho biết: Trên 10.600 người dân cùng rừng bảo vệ rừng, nếu có hiện tượng phá rừng làm rẫy sẽ bị phát hiện rất nhanh. Tất cả người dân sống gần rừng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đều được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ thu nhập, người dân thấy được vai trò của rừng: giữ được rừng, thì có thêm thu nhập, sản xuất dưới tán rừng, làm giàu từ rừng. Có như vậy mới chuyển đổi được nhận thức.

Thực tế từ Gia Lai đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: việc giữ rừng muốn thành công phải dựa vào cộng đồng dân cư, mang lại lợi ích cho người dân sống gắn bó với rừng./.

 

Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC