Gia Lai: Liên kết hộ Kinh-dân tộc thiểu số, điểm sáng trong phong trào xóa đói giảm nghèo
Thứ tư, 00:00, 11/10/2017
VOV4.VN - ​Với mục tiêu hỗ trợ bà con người dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế, đồng thời hạn chế việc chuyển nhượng, cho thuê đất ở vùng sâu, vùng xa, UBND xã Hà Bầu, huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai, đã triển khai mô hình liên kết sản xuất giữa hộ người Kinh và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bước đầu, mô hình này đã đạt được những kết quả khả quan.

Gia đình ông Rơ Lan Bak, ở làng Weh, xã Hà Bầu, canh tác cà phê trên mảnh vườn hơn 1ha. Nhưng vì trồng giống cà phê vối cũ, quả thưa, nhỏ, năng suất thấp, nên mỗi năm ông chỉ thu về hơn chục triệu đồng. Thấy nhiều bà con liên kết sản xuất với hộ người Kinh đều có lợi nhuận cao hơn, ông Bak mạnh dạn nhờ chính quyền địa phương chứng kiến, ký văn bản liên kết 20 năm với hộ Nguyễn Văn Hà ở thôn 5, xã Mang Yang, để được hỗ trợ phân bón, giống và nhân tiện học hỏi kỹ thuật canh tác.

Chỉ sau 3 năm, vườn cà phê già cỗi của gia đình ông Bak đã được thay thế bằng 800 trụ tiêu xanh mướt, hứa hẹn cho 1 tấn quả bói trong vụ đầu, ông Bak không giấu được niềm vui:

“Hồi xưa nhà mình trồng cà phê thì thu nhập thấp cho nên hợp đồng với em Hà hỗ trợ cây, trụ tiêu, phân bón. Từ ngày làm chung với em Hà thì thu nhập cao hơn, đỡ hơn. Hồi xưa mình làm cà phê thì không có gì, gia đình càng ngày càng khổ. Đến khi hợp đồng làm tiêu thì càng ngày càng phát triển, năm tới thì mong nó thu nhiều hơn nữa để mình có sức mình làm, năm nay thì thu được 1 tấn tiêu, năm tới thì mong là thu được 3 tấn tiêu".

Liên kết hộ Kinh-dân tộc thiểu số mang lại nhiều lợi ích tại Gia Lai

Tại xã Hà Bầu đã có 29 cặp hộ đang liên kết sản xuất với nhau hàng chục hecta cây trồng. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất thì thường thiếu vốn, hạn chế về cách thức, kỹ thuật canh tác. Còn hộ người Kinh có tất cả những điều kiện ấy, nhưng ít đất.

Khi liên kết với nhau, các hộ sẽ ký với nhau văn bản thỏa thuận phân chia trách nhiệm, lợi nhuận của từng bên theo sự giám sát, làm chứng của chính quyền địa phương. Mặc dù mới được triển khai vài năm nay, nhưng hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều có thu nhập ổn định. Hộ người Kinh cũng không phải đi thuê đất mà vẫn có nguồn thu.

Anh Nguyễn Tấn Long, ở xã Hà Bầu, cho biết, nhờ liên kết, mỗi năm anh có thu nhập thêm hàng chục triệu đồng: “Trước đây, vườn này là đất bỏ hoang, đất rừng. Sau này tôi thấy bỏ hoang cũng phí nên liên kết với chú Khi để phát đi trồng cây cà phê cho kinh tế phát triển giữa hai gia đình. Sau khi làm thì nhờ huyện và nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư cho cây phát triển, mỗi năm thu hoạch hơn 100 triệu, trừ chi phí thì giao cho chú được cỡ hơn 30 triệu”.

Anh Long (bên phải) có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ liên kết hộ

Có một thực tế tại Gia Lai là, bà con dân tộc thiểu số có nhiều đất sản xuất, tuy nhiên trình độ canh tác chưa cao, chưa biết cách tổ chức sản xuất. Từ việc thiếu vốn, canh tác thiếu hiệu quả, một bộ phận có xu hướng cho thuê đất dài hạn hoặc chuyển nhượng với giá rẻ. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều hộ đã phải đi làm thuê trên chính mảnh đất cũ của mình.

Tại huyện Đắc Đoa, tính đến cuối 2015, đã có hơn 400 ha đất nông nghiệp của người dân tộc thiểu số địa phương bị chuyển nhượng. Bởi vậy, mô hình liên kết hộ tại xã Hà Bầu không những giúp tận dụng tối đa các nguồn lực tại chỗ mà còn bước đầu ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất sản xuất tại các vùng quê.

Từ những lợi đơn lợi kép đó, ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư Huyện ủy Đắc Đoa, kỳ vọng mô hình này sẽ giúp hình thành những cánh đồng mẫu lớn, những hợp tác xã nông nghiệp trong tương lai: “Chúng tôi đã vận dụng mô hình này để phát huy hiệu quả khai thác đất của đồng bào và để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nói chung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi thấy mô hình này còn có một tiềm năng hơn nữa là vận động nhiều hộ liên kết với nhau để tạo nên cánh đồng lớn và tiến tới hình thành hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở khu vực nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Từ những kết quả bước đầu, mô hình liên kết hộ người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai, không những giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, hạn chế tình trạng chuyển nhượng đất, mà còn là cơ sở để ổn định sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 

 

 

 

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC