Giữ gìn nét đẹp văn hóa ở một bản làng
Thứ năm, 00:00, 24/10/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN – Là xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, Cuôr Đăng luôn xác định, vấn đề cốt lõi của nông thôn mới là phải bảo tồn, gìn giữ, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

 

Đã thành nếp, thứ 2 hàng tuần, những nữ công chức, viên chức tại xã Cuôr Đăng huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk lại khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Việc làm này đã duy trì được 5 năm nay.

Với những phụ nữ Ê đê trong xã, việc sáng thứ hai hàng tuần mặc trang phục truyền thống đi làm đã mang đến không khí làm việc tươi mới, giúp cho tinh thần của họ thêm phấn chấn. Đồng thời, hình ảnh của người cán bộ xã cũng trở nên đẹp đẽ, gần gũi hơn với nhân dân.

(Mặc trang phục truyền thống đã thành nét đẹp văn hóa mỗi thứ 2 hàng tuần ở nơi công sở - Ảnh: VOV)

Cùng với thay đổi bộ mặt nơi công sở, trong những năm gần đây, xã Cuôr Đăng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong buôn từ bỏ những hủ tục cũ, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh như làm sạch vệ sinh môi trường, trồng những “đoạn đường hoa”; tham gia các hoạt động thể dục thể thao; các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại được hình thành.

Những đám cưới không còn cảnh thách cưới; những đám tang không còn cảnh cỗ bàn linh đình, hủ tục nhiêu khê.

Không chỉ nâng cao đời sống tinh thần, việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương cũng được chính quyền xã Cuôr Đăng chú trọng. Những lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, thổi ding năm, ding buốt, các buổi hướng dẫn trò chơi dân gian và hoạt động dệt thổ cẩm được xã duy trì đều đặn.

(Hoạt động dệt thổ cẩm được xã duy trì đều đặn - Ảnh:VOV)

Hiện toàn xã có 3 đội chiêng nghệ nhân và 2 đội chiêng trẻ. Mỗi khi có ngày lễ lớn, hoặc trong buôn có chuyện vui, chuyện buồn, các đội chiêng lại cùng nhau tấu lên những bài chiêng quen thuộc.

Đội chiêng của xã cũng thường xuyên được chọn đi tham gia biểu diễn ở huyện, tỉnh và đại diện cho toàn tỉnh tham gia diễn tấu cồng chiêng tại Hà Nội.

(Đội chiêng của xã thường xuyên được chọn đi tham gia biểu diễn ở tỉnh và huyện - Ảnh: VOV)

Nghệ nhân Y Tum Ayun, buôn Cuôr Đăng B là người đánh chiêng giỏi nhất xã cho biết, dù cuộc sống của người dân có phát triển đến đâu, nhưng nếu trong buôn không còn tiếng chiêng, không còn những khung dệt thổ cẩm thì cũng không còn nét văn hóa đặc sắc của người Ê đê. Để giữ gìn nét đẹp này, ngoài việc đánh chiêng thật hay, thì truyền dạy cho thế hệ trẻ là điều cần thiết.

Nghệ nhân Y Tum Ayun cũng luôn động viên tinh thần cho các bạn trẻ, để các bạn hiểu và thêm yêu nét văn hóa của dân tộc mình.

Xã Cuôr Đăng hiện có hơn 2.500 hộ, hơn 11.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Ê đê chiếm khoảng 83 %. Để thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – đô thị văn minh, xã Cuôr Đăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nắm vững những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy mà diện mạo của Cuôr Đăng đã thay đổi rõ rệt. Những con đường bê tông trải dài từ buôn đến xã đã được tô điểm thêm nhiều sắc hoa ở hai bên đường.

Đáng chú ý, trong hai năm qua, người dân trong xã đã đóng góp làm được 13km đường điện trong buôn. Sân thể thao trung tâm xã, hội trường đa năng cũng được đầu tư xây dựng phục vụ các hoạt động chung của xã, hệ thống cơ sở vật chất trường học, y tế được nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, thể chất cho học sinh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

(Một buổi dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường của xã - Ảnh:VOV)

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi tích cực, cuối năm 2018 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn còn 3,8%.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng ở thu nhập tăng, ở hạ tầng khang trang mà phải giữ được cốt cách văn hóa nông thôn. Mỗi địa phương đều có phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa riêng. Vì vậy, việc bảo tồn các giá trị di sản để bản sắc văn hóa dân tộc, nét văn hóa truyền thống đặc trưng từng vùng trở thành nguồn lực phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Đến xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, văn hóa truyền thống của các dân tộc địa phương đã có những dấu ấn rõ nét, song hành cùng sự phát triển về kinh tế, tạo nên chiều sâu bền vững cho mảnh đất nơi cao nguyên này./. 

 

Nam Trang/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC