Cứ vài ngày, người dân làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang lại cử một nhóm từ 5 đến 6 người cùng các cán bộ Trạm bảo vệ rừng số 1 của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (tỉnh Gia Lai) tuần tra, kiểm soát tại lâm phần được giao khoán bảo vệ.
Hành trang cho chuyến tuần tra 2 ngày 1 đêm sâu trong rừng già của người dân làng Đê Kjiêng, cùng với lương thực thực phẩm, không thể thiếu cây gậy dài hơn 1mét, vừa để dò đường, vừa dễ bề rà phá những chiếc bẫy thú.
Người dân làng ĐKjiêng cùng cán bộ Vườn Quốc gia tuần tra bảo vệ rừng.
Mỗi năm, dân làng Đê Kjiêng nhận nguồn kinh phí khoảng 250 triệu đồng để thực hiện việc bảo vệ rừng. Số tiền này chia đều cho các hộ, trích một phần để mua máy cày, máy bơm nước phục vụ sản xuất chung và hỗ trợ vốn cho hộ nghèo. Bà con cũng được hướng dẫn khai thác những lâm sản phụ để có thêm thu nhập.
Ngoài đội tuần tra, người dân làng Đê Kjiêng khi vào rừng hái măng, hái đót…, nếu phát hiện dấu hiệu lạ, đều điện báo ngay cho lực lượng chuyên trách. Nhờ vậy, nhiều năm nay, tại lâm phần gần 2000 ha cộng đồng làng Đê Kjiêng nhận khoán, rừng được bảo vệ nguyên vẹn. Bà con đã ý thức bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn sống, vốn văn hóa của buôn làng.
Anh A Mưm- một người dân ở làng Đê Kjiêng cho biết: bây giờ rừng đã thực sự là tài sản quý của cộng đồng Đê Kjiêng. Trước đây, làng chưa hiểu, nhờ cán bộ của vườn tuyên truyền cho người dân sau này, không được chặt phá, không phát rừng làm nương rẫy, không làm gỗ. Cả làng cùng nhận tiền nhận khoán, chia đều hết cho tất cả các nhà. Hai là bảo vệ rừng cũng là bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sông.
Hiện nay, ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, ngoài làng Đê Kjiêng, xã Ayun, còn có 25 cộng đồng làng, chủ yếu là người Bahnar ở huyện Mang Yang và 2 huyện Đăk Đoa và K’bang đang nhận khoán bảo vệ gần 18 nghìn ha rừng tự nhiên.
Mỗi cộng đồng sẽ tổ chức nhiều nhóm tuần tra, bảo vệ rừng, và thường xuyên được tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tập huấn về phòng chống cháy rừng.
Ông Lê Thanh Đạo, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 cho biết: Với những hộ nhận khoán đi tuần tra rừng, chúng tôi chia sẻ thông tin về các loài cấm không được khai thác, săn bắt và những khu vực mình quản lý, bảo vệ, hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Những hộ cá nhân nào có hành vi khai thác, chúng tôi kết hợp với già làng, người uy tín, thuyết phục người dân, nhờ đó dần dần người dân đã hiểu ra.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có tổng diện tích rừng tự nhiên gần 42 nghìn ha, trải dài trên 3 huyện Đăk Đoa, Mang Yang và huyện K’bang của tỉnh Gia Lai. Nơi đây có hơn 1750 loài thực vật, chiếm 14% hệ thực vật của cả nước; quần thể động vật có 87 loài thú, (trong đó có 34 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam); hơn 300 loài chim và 77 loài bò sát.
Để bảo vệ, bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng nguyên sinh, nếu chỉ dựa vào mấy chục cán bộ nhân viên thì không thể làm nổi. Nhiều năm qua, Vườn đã gắn bó chặt chẽ với các cộng đồng dân cư vùng đệm: làm sao để bà con hiểu và giữ rừng như chính tài sản của họ.
Cán bộ Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cho người dân vùng đệm.
Muốn vậy, bên cạnh việc hàng năm trích kinh phí hỗ trợ làm các công trình chung như nhà cộng đồng, đèn chiếu sáng, hệ thống nước sạch, đơn vị còn đặc biệt quan tâm giúp người dân có nguồn sinh kế bền vững: cấp cây giống, phân bón để bà con phát triển sản xuất, chi trả kinh phí bảo vệ rừng kịp thời, hướng dẫn dân khai thác lâm sản phụ phù hợp
Hiện tại, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đang nghiên cứu triển khai những dự án hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, xen trong nương rẫy, nhằm giúp bà con yên tâm bảo vệ rừng:
Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB-ICC) thuộc UNESCO ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới hôm 15/9. Vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển này là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Việc giúp các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ có nguồn sinh kế bền vững không chỉ giúp bà con chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học, mà còn góp phần giữ gìn, khơi dậy mạch nguồn văn hóa rừng của người Tây Nguyên../.
Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận