Năm 2011, Công ty TNHH Kolia quyết định xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái tại Phja Đén. Ở độ cao hơn 1.200m, khí hậu mát mẻ cùng thổ nhưỡng đặc trưng rất phù hợp với giống chè đặc sản và các loại rau quả ôn đới.
Sau quá trình thử nghiệm trên diện tích vài ha, doanh nghiệp đã mạnh dạn mở rộng sản xuất bằng cách hợp tác, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng trăm hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc rau màu và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt, 10 năm qua, diện tích chè đặc sản đã được nhân rộng lên gần 20 ha cùng nhiều ha rau màu chuyên canh.
Nhiều nông dân địa phương tham gia mô hình đều phấn khởi vì trồng rau chè và các cây rau khác đều phát triển tốt, trồng theo kỹ thuật nên hiệu quả đem lại rõ rệt. So với làm rẫy, thu nhập khá hơn, thu nhập của bà con ở đây cũng khá hơn chỗ khác.
Chè trở thành một trong những cây trồng chủ lực trên đỉnh Phja Đén
Từ thành công bước đầu của mô hình trồng chè và các loại rau, hoa ôn đới, công ty Kolia đang tiếp tục thí điểm, mở rộng mô hình chăn nuôi gia súc và nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Ông Nông Văn Sòng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kolia cho biết: Sau thời gian triển khai 2 lĩnh vực du lịch kết hợp trồng trọt, chăn nuôi thì thấy hướng đi của đơn vị đã đúng và trúng. Việc làm này không chỉ tạo thu nhập cho Công ty mà còn làm một việc ý nghĩa đó là chuyển giao kỹ thuật và định hướng cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Đỉnh Phja Oắc có độ cao hơn 1.900 mét, với những cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, mùa đông thường có băng giá tạo nên cảnh quan kỳ vĩ và là điểm thu hút khách tham quan. Còn khu vực trung tâm xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đến đỉnh Phja Đén độ cao từ 1.000-1.500m, rất phù hợp với các mô hình trồng hoa, nuôi cá tầm, cá hồi....
Mùa đông đỉnh Phja Oắc có băng giá bao phủ, trở thành điểm hấp dẫn du khách thập phương
Du khách đến đây cũng không thể quên món miến dong đen mềm, dai và hương thơm đặc trưng. Bà Lâm Thị Xuyến, xóm Pù Vài, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình cho biết, với giá bán từ 1.700-2.000/kg, cây dong riềng đã giúp cho không ít hộ dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Trước không mấy ai trồng dong riềng nhưng bây giờ có nhà trồng dong riềng được hàng trăm triệu đồng một năm. Những năm trước, ở xã Thành Công bà con ở đây nghèo lắm, bây giờ thì đỡ nhiều lắm rồi.
Cây dong riềng đã giúp nhiều hộ dân xã Thành Công thoát nghèo
Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của đỉnh Phja Oắc, khí hậu trong lành của vùng Phja Đén, người dân ở đây còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng từ trang phục, nhà ở đến nét sinh hoạt đời thường.
Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch Phja Oắc - Phja Đén theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện, Nguyên Bình đã đầu tư hàng loạt những hạng mục phục vụ du khách tham quan và trải nghiệm như xây dựng làng du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao (xã Quang Thành); Khu du lịch vườn trúc rộng 20 ha tại xóm Cốc Phường, Khôi phục những căn nhà trình tường của đồng bào Dao tiền tại Bản Chang (xã Thành Công) hay xây dựng điểm ngắm cảnh trên đỉnh Phja Oắc, nâng cấp và làm mới hệ thống giao thông kết nối Quốc lộ 34 từ xã Phan Thanh qua Phja Oắc- Phja Đén đến xã Hưng Đạo...
Ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết: Trên cơ sở đầu tư của huyện và chỉ đạo của địa phương, người dân khu vực Phja Oắc- Phja Đén đã nhận thức rõ cần khai thác tốt tiềm năng nông nghiệp và đặc biệt là du lịch và triển khai đầu tư vào khu vực này, chính vì vậy trong quá trình thực hiện các dự án, huyện luôn được người dân ủng hộ, như giải phóng mặt bằng, hiến đất làm dự án rồi tham gia xây dựng dự án…
"Cái khó ló cái khôn". Biến những khó khăn, khắc nghiệt của địa hình khí hậu nơi lưng chừng núi thành lợi thế cho phát triển du lịch; điều chỉnh tập quán và cơ cấu cây trồng phù hợp đặc điểm thổ nhưỡng chính là hướng đi mang tính bền vững của người dân nơi đây. Cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chuyển biến trong nhận thức, cách làm của người dân, đỉnh Phja Oắc - Phja Đén đã khơi dậy được tiềm năng, vượt khó đi lên./.
Công Luận/VOV Đông Bắc
Viết bình luận