Sức sống mới trên vùng chiến địa Sa Thầy
Thứ ba, 00:00, 17/03/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - 45 năm sau ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975), vùng đất Sa Thầy, nơi mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mỗi ngọn núi, dòng sông đều ghi dấu những chiến công oanh liệt, giờ đây đang có nhiều nét đổi thay tươi mới.

 

Sa Thầy là một địa phương ngõ cụt giáp nước bạn Campuchia với trên 42.000 dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%; Toàn huyện có 11 xã thì 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây nhờ khai thác, phát huy tốt các nguồn lực huyện Sa Thầy đã có sự bứt phá ngoạn mục. Đến cuối năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt gần 38 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 14%. Huyện đã có 2 xã Sa Sơn và Sa Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới.

Thị trấn Sa Thầy nhỏ bé ngày nào, trong chiến tranh có sân bay dã chiến Kleng là địa bàn giằng co ác liệt giữa ta và địch giờ đã mang vóc dáng đô thị với 11.000 dân.

 (Ghi dấu chiến thắng Kleng - Ảnh: VOV)   

Ông Bùi Quốc Tưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy cho biết: Băng: “Việc chuyển mình của thị trấn trong thời gian vừa qua rất là rõ rệt. Từ cơ sở hạ tầng cho đến các thiết chế văn hóa đều được đầu tư đồng bộ. Để có được những thành tựu như vậy, là nhờ sự đồng tình hưởng ứng của người dân trong việc thực hiện chủ trương của huyện, của tỉnh trong việc chỉnh trang đô thị, mở rộng các khu dân cư. Trong vòng 2 năm 2018, 2019 thị trấn Sa Thầy đầu tư khoảng hơn 200 tỷ cho giao thông cùng một số công trình phúc lợi lớn như Trung tâm Thể thao Văn hóa, Sân vận động, Đài tưởng niệm trên nghĩa trang và chợ trung tâ, bến xe.

 (Thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy hôm nay - Ảnh: VOV)

Đến nay huyện Sa Thầy đã phá được thế ngõ cụt. Hệ thống giao thông của địa phương kết nối với tuyến quốc lộ 14C chạy dọc biên giới với nước bạn Campuchia, sang huyện Ngọc Hồi hay xuôi xuống huyện Ia H’Drai đều thông suốt cả hai mùa mưa nắng.

(Đường tới trung tâm huyện Sa Thầy- Ảnh: VOV)

Có đường, có điện, có giao thương đã kích thích sản xuất nông nghiệp phát triển. Sa Thầy giờ đã là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh Kon Tum với trên 7.000ha sắn, gần 12.000 ha cao su…

Phát triển sản xuất gắn liền với chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 3 nhà máy chế biến mủ cao su đảm bảo việc thu mua nông sản cho nông dân.

Từ vùng chiến địa đầy rẫy bom mìn, chất độc hóa học, 45 năm sau chiến tranh ngay giữa mùa khô khốc liệt trên đồng đất Sa Thầy vẫn tràn đầy sức sống bởi màu xanh của cây trái. Đảng bộ, Chính quyền, quân, dân địa phương đang nỗ lực viết tiếp những bài ca chiến thắng trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

    

   

   






Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC