Trồng dược liệu ở Kon Tum: hướng đi đã mở
Thứ ba, 00:00, 15/08/2017
VOV4.VN - Với quyết tâm xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm cây dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước, hai huyện Tu Mơ Rông, Đắc Glei, đặt mục tiêu đến năm 2020 bảo tồn, mở rộng được 1.000ha sâm Ngọc Linh và 300ha dược liệu bản địa, gồm: đảng sâm, đương quy và lan kim tuyến.

Cách đây 4 năm, tổ liên kết trồng sâm Ngọc Linh giữa 220 hộ dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum hình thành. Anh A Chen, ở làng Chung Tam, một trong những người đầu tiên liên kết trồng sâm với công ty, dù chưa có sản phẩm thu hoạch, song kinh tế gia đình đã thay đổi.

Anh A Chen cho biết:  “Gia đình tôi trồng được gần 300 gốc sâm. Công ty cho anh em bảo vệ trực 24/24 giờ. Bà con thu nhập một tháng từ 2,5-3,5 triệu đồng. Một năm, Công ty cho anh em công nhân một người 100 gốc, tăng thêm thu nhập cho bà con rất là nhiều”.

Nhân giống sâm dưới tán rừng tự nhiên

Nếu như ở huyện Tu Mơ Rông, việc trồng sâm Ngọc Linh đang rất thành công nhờ có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, thì ở huyện Kon Plông, diện tích cây dược liệu phát triển nhanh nhờ vai trò của chính quyền cùng ngành chức năng địa phương.

Song song với việc khảo sát, quy hoạch trên 600 ha rừng để bảo tồn, khai thác các loại cây dược liệu theo hướng bền vững, huyện Kon Plông đã có giải pháp và chính sách cụ thể hỗ trợ người dân trồng 100ha dược liệu ngay trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết: “Đầu tiên là phải có đất. Thứ hai là chính sách cho người dân có giống. Huyện tạo mọi điều kiện để dân có giống đưa xuống trồng bằng nhiều nguồn vốn trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Dân rất đồng tình và tích cực tham gia”.

Cây sâm phát triển tốt nhờ hội đủ các yếu tố tự nhiên

Nhờ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể, vài năm trở lại đây diện tích cây dược liệu ở Kon Tum đã tăng lên đáng kể và cây dược liệu xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong vườn nhà, đất rẫy của bà con nông dân.

Toàn tỉnh hiện đã trồng được trên 315ha Sâm Ngọc Linh,g hàng chục ha đảng sâm, lan kim tuyến, đương quy, ngũ vị tử.v.v. Và để người dân mạnh dạn tham gia trồng, mở rộng thêm diện tích cây dược liệu, việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm được đặt lên hàng đầu.

Ông A Ming, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông, cho biết, đây chính là yếu tố giúp xã thuận lợi trong việc vận động người dân trồng 25ha cây dược liệu trong năm nay: “Xã đứng ra làm việc với doanh nghiệp để mà bao tiêu sản phẩm thì người dân rất an tâm. Nhiều hộ dân đăng ký chuyển đổi từ các cây trồng khác sang trồng cây dược liệu như đương quy, sâm dây, nghệ đỏ và cà dây leo”.

Sản phẩm sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam

Kon Tum đang tích cực mở rộng vùng nguyên liệu thông qua các hình thức, như xây dựng vườn ươm, vườn nhà dưới tán rừng. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thành công của trung tâm này cũng như Trung tâm ứng dụng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ của địa phương trong việc nhân giống cây lan kim tuyến, đảng sâm và một số cây dược liệu khác, với khả năng cung cấp hàng trăm nghìn cây giống mỗi năm, cho thấy bước đi vững chắc của tỉnh trong việc phát triển cây dược liệu.

Ông Phạm Thanh, Phó trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành khảo nghiệm lan kim tuyến và kết quả ban đầu rất là tốt. Sinh trưởng, phát triển tỏ ra rất phù hợp. Hiệu quả kinh tế lớn. Giá thị trường khoảng 1,5 triệu/kg tươi”.

Để đạt mục tiêu trở thành vùng dược liệu trọng điểm, tỉnh Kon Tum xác định phải xây dựng được thương hiệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và xây dựng cánh đồng lớn. Nhiều giải pháp về kỹ thuật, tổ chức, quản lý sản xuất, đào tạo, thương mại, chế biến sản phẩm; cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ… đang được triển khai thực hiện đồng bộ.

Trước mắt, tại hai huyện Tu Mơ Rông, Đắc Glei, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2020 bảo tồn, mở rộng được 1.000ha sâm Ngọc Linh và 300ha dược liệu bản địa, gồm: đảng sâm, đương quy và lan kim tuyến.

Trong gần 1.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc ở khu vực Tây Nguyên, thì riêng địa bàn tỉnh Kon Tum có tới 853 loài, mà nổi bật nhất là sâm Ngọc Linh, cỏ nhung, trọng lâu, bách hợp, đảng sâm… đặc biệt có 35 loài thuộc diện những cây thuốc cần quan tâm bảo tồn ở Việt Nam.

 

 

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC