Xây dựng “Trường học hạnh phúc” ở Yên Bái
Thứ ba, 11:33, 22/03/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN - Nhằm tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo,từ nay đến năm 2025, tỉnh Yên Bái sẽ xây dựng "Trường học hạnh phúc” nhằm góp phần nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra.

 

Ngày 10 tháng 11 năm 2020, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Bộ tiêu chí tạm thời về “Trường học hạnh phúc”, với 20 tiêu chí cụ thể và chia làm 3 nhóm gồm: 08 tiêu chí về môi trường nhà trường; 06 tiêu chí về tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; 06 tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Ngay sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” gắn với tình hình thực tiễn tại đơn vị như: Giờ học hạnh phúc, môi trường sư phạm không có sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm của giáo viên, học sinh; khắc phục tình trạng tương tác, quản lý mang tính áp đặt như trước đây; Xây dựng không gian nhà trường thoáng, xanh, sạch đẹp…

Nhà trường cũng bổ sung các chậu cây cảnh theo mùa, giúp học sinh và giáo viên có cảm giác tươi mới, gần gũi với thiên nhiên. Đồng thời, chú trọng các hoạt động ngoại khóa như ngày hội đọc sách, hành trình về địa chỉ đỏ, ngày tết thiếu nhi…

Cô giáo Đặng Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn thể cán bộ quản lý đến giáo viên, nhân viên chúng tôi đã thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, không mặc định thầy cô luôn đúng để các em có trải nghiệm và thể hiện suy nghĩ, sáng tạo của bản thân. Chúng tôi cũng thực hiện mô hình “lớp học hạnh phúc” và “môi trường sư phạm hạnh phúc”, để mỗi ngày các em tới trường thực sự là một ngày vui và đội ngũ giáo viên thấy là một ngày hạnh phúc.


Không gian hạnh phúc của trường THCS thị trấn Yên Bình.

Bậc THCS, gồm học sinh ở lứa tuổi từ 12 đến 15, các em có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý, nên tiêu chí về môi trường giáo dục được các nhà trường ở Yên Bái đặc biệt chú trọng. Để từ đó, tình yêu thương giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng, bồi đắp mỗi ngày.

Tại trường THCS thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, việc chú trọng môi trường giáo dục cũng sẽ góp phần "triệt tiêu" các cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức. Tại mỗi trường, lớp học, mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò sẽ luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn…

Cô giáo Bùi Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình chia sẻ: Trong mỗi lớp học đều xây dựng mô hình “điều em muốn nói”, ở đó, các em có thể phát huy khả năng và thể hiện tâm tư, tình cảm mà các em muốn nói với các thầy cô giáo. Chúng tôi cũng thành lập Tổ tư vấn học đường giúp đỡ những em có hoàn cảnh đặc biệt, xử lý các tình huống xảy ra mà các em không tự giải quyết được. Chúng tôi cũng yêu cầu các thầy cô giáo trong nhà trường quan tâm hơn với học sinh, để các em thấy khi mình đến trường cũng như lúc ở nhà.

Ngoài củng cố các tiêu chí sẵn có, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang tập trung thực hiện nhóm tiêu chí “tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục”; từ đó giúp mỗi thầy, cô giáo và các em học sinh cảm thấy mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui và ý nghĩa.

Cô giáo Ngô Thị Thái Linh, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Cô cảm thấy thực sự hạnh phúc khi được làm việc trong môi trường giáo dục có sự quan tâm sâu sắc giữa mỗi con người. Từ đó, các thầy cô đã biến những khó khăn thành cơ hội; học sinh được học tập, rèn luyện để tự tin bước vào cuộc sống ngoài trường học mà không bị rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, kỹ năng... Với cô, nhà trường thực sự là nơi truyền cảm hứng để thầy và trò được phát triển tối đa năng lực, sở trường, cùng hoạt động một cách sáng tạo và tỏa sáng.

Không gian trường THPT Hoàng Văn Thụ đảm bảo xanh, hài hòa, hạnh phúc.

Từ “Trường học hạnh phúc”, nhiều học sinh ở Yên Bái đã thể hiện năng khiếu, ước mơ, ý tưởng sáng tạo, năng lực cá nhân của mình. Em Phạm Quỳnh Hương, học sinh lớp 10A11, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Lục Yên là một ví dụ. Từ một học sinh ít nói, có phần nhút nhát, khi được học tập trong môi trường giáo dục mới, được dạy sống hết mình với đam mê và không bỏ cuộc trong quá trình thực hiện nó. Giờ đây, em đã trở thành học sinh giỏi cả về văn hóa và năng khiếu, khi có thể chơi thành thạo đàn guita và là thành viên tích cực trong các câu lạc bộ của trường trong lĩnh vực văn nghệ, thể dục thể thao...

Phạm Quỳnh Hương chia sẻ: Tại ngôi trường này chúng em nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ không chỉ của các thầy cô có chuyên môn, yêu nghề yêu trò, mà còn nhận được sự hỗ trợ của các anh chị khóa trên. Chúng em giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong việc học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi. Chúng em cũng được tạo điều kiện để hoạt động tập thể, qua đó trở nên đoàn kết, gắn bó hơn, và được thỏa sức thể hiện đam mê, năng khiếu của mình.

Đến nay, toàn bộ 453 trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã lựa chọn tham gia thực hiện các tiêu chí phù hợp với thực tiễn của từng đơn vị. Trong đó, có 136 trường đăng ký thực hiện toàn diện các tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.

Theo thống kê, sau hơn 1 năm thực hiện, số phòng học kiên cố trên địa bàn tỉnh đã đạt 85%, tăng gần 3% so với trước đó; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình phổ thông tăng 2%; số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, cấp tỉnh cũng tăng so với thời điểm trước đó.

Các trường học ở Yên Bái quan tâm dạy kỹ năng sống cho học sinh

Tuy nhiên, là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình này với quy mô cấp tỉnh, vì vậy, quá trình triển khai, địa phương cũng gặp không ít khó khăn, nhất là ở nhóm tiêu chí: “đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục”, hay “xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường”… Dó đó, Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái đã đưa ra 5 giải pháp để thực hiện và cuối năm học này sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá để có những điều chỉnh phù hợp hơn. 

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Xây dựng Trường học hạnh phúc hướng tới 3 mục tiêu: yêu thương - an toàn– tôn trọng. Để làm được điều đó, mỗi thầy cô phải luôn luôn tự soi chiếu thay đổi bản thân, thay đổi nhận thức, từ đó tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục tạo ra được môi trường mà các em luôn thấy được yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Trong Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Yên Bái đặt mục tiêu xây dựng tỉnh “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Với việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” bằng các tiêu chí cụ thể, gắn với sự nghiệp phát triển giáo dục, phát triển con người của tỉnh nhà, Yên Bái đang hướng tới mô hình tỉnh hạnh phúc trong tương lai không xa./.

Thừa Xuân/VOV Tây Bắc

 

 

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC