Điểm bán hàng Việt Nam tại số 58, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Yên Bái do Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công Thương phối hợp với Công ty TNHH TN Yên Bái khai trương từ tháng 11/2021. 100% mặt hàng tại đây là các nông sản được sản xuất trong nước, trong đó, trên 70% là các sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất với nhiều sản phẩm nổi tiếng đạt chứng nhận OCOP như: Gạo nếp tan Tú Lệ, Chè xanh Suối Giàng, Miến đao Giới Phiên, Cá sấy Hồ Thác Bà, Mật ong Mù Cang Chải, Trà táo mèo, các sản phẩm từ quế như: tinh dầu quế, nước lau sàn, hương quế...
Nhận thấy tiềm năng của việc bán hàng online trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử nên ngoài bán hàng trực tiếp, nhân viên cửa hàng đã chủ động đăng tải các mặt hàng lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, doanh số bán hàng của đơn vị luôn được đảm bảo; nhiều mặt hàng OCOP của tỉnh cũng vì thế dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn.
Chị Đỗ Kim Oanh, điểm bán hàng OCOP số 58, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Yên Bái cho biết: Cửa hàng chúng tôi có áp dụng bán hàng online qua các mạng và đặc biệt là các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Voso... Đó là các kênh bán hàng hữu ích, giúp chúng tôi có nhiều khách hàng quan tâm và biết đến sản phẩm của mình hơn.
Các sản phẩm sau khi được đưa lên sàn thương mại điện tử dễ dàng đến tay người tiêu dùng trên mọi miền đất nước.
Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối hàng hóa. Để thích ứng linh hoạt, hiệu quả và đảm bảo yếu tố phòng dịch, người tiêu dùng đã tiếp cận nhiều hơn với cách thức mua sắm trực tuyến thay vì mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng. Đáp ứng xu thế này nhiều cửa hàng đã chủ động phát triển kênh bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử Potsmart.vn, tiki, Lazada, Shopee...
Theo thống kê, đến nay, đã có trên 100 sản phẩm OCOP được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Yên Bái bán trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai nhiều giải pháp.
Ông Lê Huy Hoàng, Giám đốc Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: Viettel Post hỗ trợ cho nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường và phát triển quy mô bằng việc quảng cáo và các quy trình nghiệp vụ đăng bài, viết bài để mở rộng thị trường.
So với phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến không những mở thêm cơ hội mới, giúp nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm đạt chất lượng.
Chị Trịnh Thị Quyền, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ: Những mặt hàng đặc sản như khoai Trạm Tấu hay gạo nếp Tú Lệ trước đây phải nhờ người thân mua hoặc gửi ô tô thì bây giờ nhiều có thể ship đến tận nhà cho mình mà hàng thì đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Chỉ tính riêng trong năm 2021 các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đưa hàng nghìn đơn hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, 46/120 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn Potsmart.vn với trên 2.000 đơn hàng đạt doanh thu trên 400 triệu đồng; 72/120 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn Voso.vn cũng đã có hơn 5.100 đơn hàng, doanh thu đạt 1,1 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, đưa sản phẩm nông nghiệp nói chung, các sản phẩm OCOP nói riêng, lên sàn thương mại điện tử sẽ được các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở Yên Bái tiếp tục mở rộng để việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, đúng xu hướng hơn./.
Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc
Viết bình luận