“Vương quốc pơ mu” nằm trên đỉnh núi Zi’liêng cao 1.400m. Hơn 2.000 cây pơ mu mọc san sát nhau dọc biên giới Việt - Lào ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trong đó có 1.146 cây được công nhận cây di sản. Già làng Pơ Loong Nấp đã ở tuổi “thất thập cổ lại hy” cho biết, mỗi một cây Pơ mu ngàn năm tuổi đều được đặt tên và đã gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của đồng bào.
Tại Quảng Nam có 1.146 cây Pơ mu được công nhận cây di sản.
Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cuộc làm việc với Viện Sinh thái học miền Nam, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, nhằm chuẩn bị các điều kiện để thành lập Vườn quốc gia Pơ mu.
Rừng ở Tây Giang có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Nếu được công nhận thành Vườn quốc gia Pơ mu thì đây sẽ là vườn quốc gia tiêu biểu cho khu vực Trung Trường Sơn với hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học hiếm có.
Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Giám đốc Viện Sinh thái học miền Nam cho biết, Viện Hàn lâm xây dựng đề tài nghiên cứu thành lập cơ sở dữ liệu rừng Pơ mu để làm cơ sở thành lập Vườn quốc gia Pơ mu, nếu thành hiện thực thì đây sẽ là Vườn quốc gia Pơ mu, khu bảo tồn thiên nhiên Pơ mu đầu tiên của Việt Nam. Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đánh giá rất cao giá trị của khu rừng này.
Hiện Việt Nam có 14 khu bảo tồn loài nằm rải rác trên cả nước, trong đó, tỉnh Quảng Nam có đến 2 khu bảo tồn với 2 loài quý hiếm là sao la và voi. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam là khu bảo tồn chuyên về voi đầu tiên và duy nhất của Việt Nam hiện nay nằm trên địa bàn 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm, huyện Nông Sơn. Khu bảo tồn này được thành lập từ nguồn tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, kinh phí thực hiện đến năm 2030 với 128 tỷ đồng, diện tích gần 19.000 ha. Đây là ngôi nhà của 8 cá thể voi Châu Á hoang dã hiếm hoi còn sót lại.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam là khu bảo tồn chuyên về voi đầu tiên và duy nhất của Việt Nam.
Từ các nguồn hỗ trợ, đơn vị đã trồng 5km hàng rào xanh bằng cây bồ kết để ngăn cản sự di chuyển của đàn voi vào rừng sản xuất của người dân. Công tác bảo vệ rừng cũng được siết chặt hơn nhằm giữ gìn môi trường sống tự nhiên cho đàn voi.
Ông Lê Đức Tuấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, Chúng tôi ban hành kế hoạch kiểm tra các quán ăn, nhà hàng, đồng thời thực hiện ký cam kết đối với các nhà hàng kinh doanh, buôn bán các loài động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã. Chúng tôi phối hợp với đơn vị chủ rừng, Ban Quản lý khu bảo tồn và sinh cảnh voi thực hiện tháo dỡ các bẫy tại rừng.
Quảng Nam có 2 khu bảo tồn với 2 loài quý hiếm là sao la và voi.
Đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam sống giữa khu vực rừng nguyên sinh đã được vận động ra khỏi rừng để nhường lại môi trường sống tự nhiên cho các loài vật. Đây cũng là nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc bảo tồn các loài đang bị suy thoái bởi tác động của con người. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động thực vật được phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và cộng đồng dân cư.
Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, gần 470.000 ha, tập trung chủ yếu tại vùng Tây của tỉnh. Hiện nay, tỉnh luoon quan tâm đầu tư để bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên ở phía Tây như Vườn quốc gia Sông Thanh và các khu bảo tồn./.”
Long Phi/VOV miền Trung
Viết bình luận