Các lò gạch thủ công đang gây ô nhiễm môi trường ở Krông Ana
Thứ năm, 00:00, 25/01/2018
VOV4.VN - Môi trường là tiêu chí không khó thực hiện ở đa số các địa phương tỉnh Đắc Lắc khi xây dựng nông thôn mới, thế nhưng tại huyện Krông Ana, tiêu chí này lại đang là trở ngại khó vượt qua đối với một số xã do có nhiều lò gạch đốt bằng than đá. Chính quyền đã tăng cường giám sát, bắt buộc chuyển đổi hình thức hoạt động của các cơ sở này.

 

Buổi sáng mùa khô, trời trong xanh, nhưng không khí tại buôn Mlớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc, vẫn lờ mờ bởi khói bụi từ các lò đốt gạch thủ công. Chị H'Loa Bkrông (dân tộc Ê Đê), cho biết, gần chục năm nay, ngày nào gia đình cũng hít phải khói, bụi từ các lò đốt gạch, rất khó chịu. Cây cối trong vườn cũng bị ảnh hưởng, ngay cả  cây chuối cũng khó phát triển được.

"Khói bụi từ than đá của lò gạch bay ra bám vào cây cà phê  không trổ hoa được, thậm chí cây chuối trồng cũng không lên được. Còn môi trường của bà con ô nhiễm nặng lắm, bà con trong buôn bị đau ốm, viêm phổi nhiều lắm” - chị H'Loa nói.

Các lò gạch nằm kề sát khu vực dân cư ở huyện Krông Ana

Hoạt động của các lò gạch thủ công không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, buôn bán ở địa phương. Hàng ngày, xe tải chở đất sét từ đồng ruộng về lò, rồi lại chở gạch ngói đi tiêu thụ, khiến bụi mù mịt dọc tuyến Tỉnh lộ 2, đoạn qua xã Ea Bông.

Chị Lê Thị Loan, chủ tiệm tạp hóa ở buôn Mlớt, cho biết: "Tôi bán quán ở đây đã nhiều năm rồi, mỗi lần vào mùa khô xe họ chở đất, chở gạch chạy qua bụi bay vào nhà phủ lên tất cả mọi đồ đạc. Phải đóng của suốt ngày nhưng cũng không được, ngày lau nhiều lần mệt mỏi lắm. Còn nữa, khói bụi lò gạch bay vào, cả nhà bị viêm họng quanh năm. Mong các cấp ngành sớm giúp cho dân chúng tôi xử lý lò gạch chứ dân khổ lắm".

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn huyện Krông Ana có gần 100 cơ sở sản xuất gạch ngói, với trên 250 lò, công suất hàng năm khoảng 250 triệu viên. Các lò gạch tập trung chủ yếu ở xã Ea Bông, Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp. Hầu hết các lò gạch ở đây đều đốt thủ công, sử dụng củi hoặc than đá, nên khí thải, khói bụi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khói bụi ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực

Ông Nguyễn Xuân Khu, Chủ tịch UBND xã Ea Bông, cho biết, hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đến nay, xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí; trong 7 tiêu chí còn lại thì môi trường là vấn đề nan giải.

"Trên địa bàn có 41 cơ sở sản xuất gạch nung với khoảng 165  lò đang hoạt động. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng khai thác nguyên liệu, các cơ sở này chỉ còn đốt nguyên liệu khai thác trước đó, hết thì phải dừng và chờ cơ chế mới của Nhà nước" -  theo ông Khu.

UBND tỉnh Đắc Lắc đã có quyết định từ tháng 12/2014, chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh. Và theo lộ trình của UBND tỉnh đưa ra, thì đến năm 2020, các loại lò gạch gây ô nhiễm môi trường mới hoàn thành việc chuyển đổi sang sản xuất gạch xây không nung. Như vậy, ít nhất còn 3 năm nữa, các lò gạch thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tồn tại, và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

 

 

 

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC