Cội nguồn các trận đại hồng thủy phá tan bản làng Tây Bắc
Thứ sáu, 00:00, 06/10/2017
VOV4.VN - Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường La (Sơn La), chỉ sau 1 đêm, thiên nhiên nổi giận đã cướp đi người thân, nhà cửa, tài sản bao nhiêu năm tích cóp của hàng trăm hộ nơi đây. Tại sao lũ quét ở Tây Bắc lại có sức tàn phá ghê gớm và khó lường đến vậy? Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng đó là hệ quả của việc tàn phá rừng đầu nguồn; xây dựng thủy điện, hay khai thác khoáng sản tràn lan. Những việc làm đó đã làm thay đổi môi trường.

Theo nhận định của Đoàn khảo sát Viện khoa học địa chất và khoáng sản trong chuyến khảo sát tại huyện Mường La, việc đất đá và vật liệu bị cuốn theo dòng chảy từ phía thượng nguồn bị chặn lại bởi các công trình dân sinh hay bởi địa hình tự nhiên của khu vực đã gây ra hiện tượng nghẽn dòng, tạo ra những khối nước lớn bị ứ lại phía thượng nguồn.

Khi những khối nước này vỡ ra, kéo theo đất đá, cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. Sự suy giảm của thảm phủ thực vật ở các khu vực này là một nguyên nhân làm tăng sự cuốn trôi của đất đá. Sự suy giảm này diễn ra do tình trạng phá rừng, hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển nông nghiệp và việc xây dựng các công trình thủy điện trên các dòng sông.

Phá rừng là một nguyên nhân gây ra lũ quét

Tại Tây Bắc, mỗi năm có hàng nghìn héc ta rừng bị "biến mất" do nhiều nguyên nhân, do cháy rừng, phá rừng làm nương, khai thác gỗ trái phép... Năm 2015, tại các tỉnh Tấy Bắc, gồm: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 2.000 vụ vi phạm về quản lý và phát triển rừng, diện tích rừng bị mất hàng nghìn ha.

Riêng tại Sơn La, theo kết quả kiểm kê hiện trạng rừng giai đọan 2013-2016, thì diện tích đất có rừng trên địa bàn năm 2015 giảm gần 33.000 ha, tương ứng giảm 2,3% độ che phủ so với giai đoạn trước đó. Không còn rừng đầu nguồn làm chức năng giữ nước, cân bằng sinh học thì khi mưa to dài ngày sẽ dẫn đến nguy cơ lũ ống, lũ quét ngày càng tăng cao.

Thêm nữa, tại 3 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai có tới gần 140 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang hoạt động và đang được đầu tư xây dựng. Mường La là huyện có nhiều nhà máy thủy điện nhất tỉnh Sơn La, với hơn 20 nhà máy vừa và nhỏ. Mù Cang Chải nằm sát huyện Mường La cũng có nhiều nhà máy thủy điện, lũ quét cũng xảy ra cùng thời gian.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm công nghệ địa vật lý, địa kỹ thuật, cho biết: "Chúng tôi đã tính toán được 5 đến 6 điểm trượt/1km2, có những điểm trượt hàng nghìn mét khối. Do vậy, khi mưa gió, các trượt đá cộng với một phần các tảng lăn và đất đá trong sườn dốc lớn đến 45 độ nên bề phong hoá của nó và thảm thực vật thưa không đủ để chặn lại đất đá trên sườn đồi. Khi nó dồn xuống dòng suối thì cùng với dòng suối nước dâng, đá vận chuyển đến vị trí tắc nghẽn thì nó sẽ tự xây, tạo nên các đập tạm ở vùng tắc nghẽn".

Người dân Tây Bắc vẫn giữ thói quen làm nhà sát suối từ bao đời nay, cũng là nguy cơ khi có lũ. Như bản Nà Lo, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, nhiều hộ dân làm nền nhà thấp, chỉ cách lòng suối vài mét. Hay tại Mù Cang Chải, nhiều hộ dân bám vào các quốc lộ, khe suối làm nhà cho tiện giao thông mà không tính đến tác hại nghiêm trọng khi có thiên tai xảy ra.

Tây Bắc vốn địa hình có nhiều núi cao, độ dốc lớn, đâu đâu cũng là núi, là sông, nên việc quy hoạch, bố trí dân cư ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở là điều rất khó khăn. Theo thống kê nhanh, năm 2017, mỗi tỉnh đều có từ 500 đến 600 hộ dân sống trong vùng thiên tai nguy hiểm cần được hỗ trợ di chuyển.

Tuy nhiên, quỹ đất để di chuyển các hộ dân này còn hạn chế; kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng một hộ còn thấp, trong khi đa số các hộ này đều là hộ nghèo, kinh tế khó khăn nên việc di chuyển các hộ dân này còn gặp nhiều khó khăn. So sánh với 1 hộ di dân công trình thủy điện, kinh phí đầu tư từ 500 đến 700 triệu đồng, thì mức chi cho một hộ di dân vùng thiên tai nguy hiểm hiện nay là quá thấp.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, nói: "Sơn La kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm kinh phí để thực hiện Đề án 1776 của Thủ tướng Chính phủ về việc di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai. Hai là đề nghị tăng mức hỗ trợ cho người dân, bởi mức hỗ trợ làm nhà 20 triệu đồng như hiện nay là rất thấp, đề nghị tăng lên 40 triệu đồng/hộ thì mới giúp người dân đỡ khó khăn khi chuyển về nơi ở mới".

Người dân còn chủ quan khi làm nhà sát bên bờ suối

Tại các tỉnh Tây Bắc, hiện nay, việc xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hạn chế. Theo thống kê, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Bắc mới có 21 trạm khí tượng bề mặt, 12 trạm thủy văn, 3 trạm môi trường, 47 trạm đo mưa tự động, 30 điểm đo mưa nhân dân, 4 trạm truyền dẫn số liệu thuộc hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét lưu vực Nậm La, Nậm Pàn…

Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thí điểm thực hiện đầu tư xây dựng các trạm cảnh báo sớm lũ dọc lưu vực sông tại Yên Bái và Lào Cai, khi lượng mưa đạt đến mức độ có nguy cơ gây ra lũ quét, các trạm này sẽ tự động hú còi để báo cho người dân biết. Tuy nhiên, từ khi lắp đặt, hệ thống này không phát huy được hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết: "Với địa hình dốc, nhiều chia cắt phức tạp thế này thì 1 trạm đo mưa không thể phản ánh được diện rộng. Chính vì thế chúng ta cần phải đặt mật độ trạm dày đặc hơn".

Không thể sống chung với lũ quét, sạt lở đất! Chỉ thống kê trong 2 năm lại đây, các địa phương khu vực Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Lào Cai đã có trên 130 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để tránh xa lũ quét, sạt lở đất?

 

Bài tiếp theo: “Tránh lũ ở Tây Bắc: Cần những chính sách phù hợp”

 

 

 

VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC