Hiện nay, vào mỗi buổi chiều, sau khi kết thúc nhiệm vụ chuyến chở khách du lịch trong ngày, các chú voi ở khu du lịch sinh thái Hồ Lắk đều về nghỉ dưới tán cây, ăn món ăn quen thuộc là thân chuối đã được chặt khúc. Điều này khác hẳn trước kia: cứ sau khoảng 1 tuần chở khách, voi sẽ được thả về rừng từ 1 đến 2 tuần để tự kiếm ăn.
Voi là loài động vật hoang dã, chủ yếu sống trong rừng nên nguồn thức ăn tự nhiên như lá cây, cỏ, đọt măng le chiếm hơn một nửa. Những năm gần đây, nguồn thức ăn này ngày càng ít dần, các chủ voi phải cho ăn thêm các thức ăn như cây ngô, mía, cây chuối....
Các loại thức ăn này có thể đủ về số lượng nhưng không đủ về chất lượng dinh dưỡng. Thêm vào đó, khí hậu diễn biến bất thường, nền nhiệt độ cao hơn trước, cộng với việc voi thường xuyên được sử dụng phục vụ du lịch, khiến voi ngày càng yếu đi, giảm tuổi thọ. Thiếu thức ăn và môi trường sống phù hợp là nguyên nhân khiến sức khỏe của voi suy giảm.
(Do không đủ nguồn thức ăn từ tự nhiên, voi phải ăn thêm cây ngô, chuối hay mía)
Đối với voi nhà, mặc dù đã được con người thuần dưỡng, nhưng chúng vẫn rất cần môi trường sống tự nhiên để kiếm ăn, gặp gỡ và sinh sản. Hiện nay các cá thể voi nhà ngày càng lớn tuổi, già yếu, trong khi suốt 30 năm qua, ở Đắk Lắk gần như không có voi nhà sinh sản.
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 10 cá thể voi nhà bị chết, nguyên nhân chủ yếu do già yếu, kiệt sức hoặc bị voi rừng tấn công. Điều này khiến những người làm công tác bảo tồn voi lo lắng về tương lai của đàn voi nhà. Trong khi đó, hiện tại, ở Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cơ sở vật chất vẫn còn rất thiếu thốn, chỉ có các trang thiết bị cơ bản. Nhân viên của Trung tâm hầu hết không có kiến thức chuyên môn về voi, nên trong quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn suy giảm không chỉ ảnh hưởng đến voi nhà mà còn tác động trực tiếp đến các đàn voi hoang dã. Ở Đắk Lắk đã ghi nhận nhiều trường hợp voi hoang dã xuất hiện và phá hoại tại các khu vực sản xuất của người dân và doanh nghiệp, gây thiệt hại về hoa màu, tài sản; thậm chí đe dọa cả tính mạng con người.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, địa phương hiện có khoảng 5 đàn voi hoang dã với số lượng từ 80 đến 100 cá thể, sinh sống và di chuyển chủ yếu trên địa bàn 4 huyện là Buôn Đôn, Ea Sup, Ea H’leo và Cư Mgar. Theo các chuyên gia bảo tồn voi, xung đột giữa voi và người ngày càng gia tăng là do môi trường sống tự nhiên của voi bị thu hẹp.
(Rừng suy giảm nên thời gian voi kiếm ăn tự nhiên ngày càng ít)
Từ năm 2014 tỉnh Đắk Lắk triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Sau 5 năm triển khai, các chuyên gia đã tiến hành gắn chip cho toàn bộ voi nhà trên địa bàn tỉnh để theo dõi sức khỏe, quản lý lập hồ sơ lý lịch, khám chữa bệnh định kỳ, lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu sinh lí, tẩy ký sinh trùng. Trung tâm hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 2 voi hoang dã sau cứu hộ.
Tỉnh Đắc Lắc cũng đang tiến hành xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong việc bảo tồn sinh cảnh và hành lang di chuyển của voi hoang dã. Đối với voi nhà, tỉnh cũng quy hoạch khu chăn thả, chăm sóc sức khỏe, sinh sản cho voi tại huyện Lắk và huyện Buôn Đôn trên diện tích 350 ha.
Tuy nhiên, thực hiện các giải pháp xây dựng hành lang sinh cảnh là rất cần thiết để tạo môi trường sống phù hợp cho voi, nhất là trong điều kiện rừng đang bị suy giảm mạnh như hiện nay. Nghĩa là trồng các loại cây phù hợp để voi có nguồn thức ăn.
Theo Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tỉnh Đắc Lắc đã quy hoạch diện tích bảo tồn đối với quần thể voi hoang dã là gần 175 nghìn ha, đối với voi nhà là 350 ha.
H Xíu/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận