Điện Biên loay hoay xử lý thuốc bảo vệ thực vật
Thứ hai, 00:00, 11/12/2017
VOV4.VN - Điện Biên còn tồn trên 11 lít hóa chất bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và 720 kg bao gói hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đáng nói là Điện Biên hiện chưa có phương án xử lý an toàn tại chỗ số thuốc và vỏ bao thuốc độc hại này, mà vẫn phải nhờ các đơn vị dưới xuôi lên thực hiện giúp.

 

Đến nay, Điện Biên mới xây được 52 bể bê tông chứa thuốc bảo vệ thực vật hết hạn và vỏ bao đã qua sử dụng. Hầu hết các bể chứa này đã đầy, không còn khả năng chứa thêm. Trong khi đó, khối lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, quản lý tại các địa phương ngày càng lớn, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng ở mức rất cao.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho sản xuất nông nghiệp và thải vỏ còn tồn dư thuốc độc hại ra môi trường vẫn tiếp diễn tại tỉnh Điện Biên. Điều này đã đẩy vấn đề gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng lên mức nguy cơ rất cao.

Trong bối cảnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc chưa có một đơn vị nào đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để xử lý chất thải nguy hại - vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, tỉnh Điện Biên đã phải thuê các đơn vị dưới xuôi xử lý. 

Năm 2009, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh đã phải đứng ra làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh lên kế hoạch tập kết 1,6 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu quá hạn, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, cùng một số sản phẩm hàng hóa hết hạn sử dụng chuyển về Hà Nội để xử lý.

Thống kê ở thời điểm hiện tại, tĐiện Biên mới chỉ xây được 52 bể bê tông chứa thuốc bảo vệ thực vật hết hạn và vỏ bao đã qua sử dụng

Cuối tháng 11/2017, Sở đã thống nhất phối hợp với Công ty Môi trường Xanh, tỉnh Hải Dương, dùng xe chuyên dụng chở toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ Điện Biên về Hải Dương xử lý, với kinh phí dự toán khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, do khối lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh tương đối nhỏ (dưới 1 tấn), lại nằm rải rác ở các huyện xa, đi lại khó khăn, nên không có nhiều đơn vị sẵn sàng ký kết hợp đồng thực hiện.

Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên, cho biết, trong thời gian đợi có các biện pháp xử lý hữu hiệu tại chỗ, giảm tác hại đến môi trường, cộng đồng, thì trước mắt ngành sẽ chỉ yêu cầu các huyện, xã tăng cường quản lý việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Chú trọng rà soát xây bổ sung các bể chứa bê tông và hướng dẫn người dân bỏ vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng nơi quy định. Đối với các bể đã đầy thì sẽ lưu tạm sang các bể chứa khác còn khả năng chứa, đồng thời cân đối kinh phí hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện vận chuyển, xử lý theo đúng quy định.

Vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được coi là loại rác thải nguy hại, cần được thu gom, xử lý đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

 

 

 

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC