Học sinh Cần Thơ sáng tạo tranh nghệ thuật từ gạo và vật liệu tái chế
Thứ năm, 11:06, 13/05/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Giành giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ tổ chức, năm học 2020 – 2021, nhóm tác giả dự án nghệ thuật “Tranh gạo và hướng phát triển” còn tính đến việc mở rộng bằng việc tạo tranh từ những vật liệu tái chế khác

 

Hơn 20 tác phẩm tranh gạo trong khuôn khổ dự án với nhiều chủ đề như: danh lam thắng cảnh Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam, hoa sen, ly kem, chú mèo nhỏ, đôi giày mới, nàng công chúa dễ thương được trưng bày tại Trường THCS Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Tác giả của những bức tranh này là 2 em học sinh Trần Nguyễn Thanh Thảo, lớp 8a1 và Võ Thị Vân Anh, lớp 9a1. 2 em cho biết, để có những bức tranh này, các em phải rất tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu, rang gạo, làm màu, cách đính hạt gạo và giữ cho tranh không bị hư hỏng khi đến tay người tiêu dùng.

Thanh Thảo và Vân Anh lớn lên trong các gia đình làm nông, gắn bó với ruộng đồng, từ nhỏ đã thấm đẫm tình yêu thiên nhiên bình dị, gắn bó với hạt gạo miền quê.

Có lẽ vì vậy mà hai tâm hồn đồng điệu đã gặp nhau, bắt tay cùng thực hiện dự án, với sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình từ Ban Giám hiệu và giáo viên hướng dẫn.

Nhóm tác giả Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” bên những tác phẩm của mình - Ảnh VOV

Ở trường, giáo viên mỹ thuật thay vì dạy vẽ tranh thông thường thì lại chọn dạy làm tranh gạo. Khi được chỉ bảo cách tạo màu từ hạt gạo bằng phương pháp rang trên chảo, rồi cách vẽ bố cục, gắp từng hạt gạo vào tranh với sự phối màu sắc phù hợp, em càng đam mê môn nghệ thuật nà.

Thanh Thảo chia sẻ: Em đến với tranh gạo bằng một niềm đam mê. Sử dụng hạt gạo bởi nó gần gũi, dễ tìm và hạt gạo là đặc sản của Cần Thơ – Cần Thơ gạo trắng nước trong. Làm tranh gạo sẽ khuyến khích chúng em thích thú hơn và sáng tạo hơn trong việc làm tranh và mọi thứ.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học có tiêu chí về việc dự án khả thi, được áp dụng rộng rãi, có tính lan tỏa trong cộng đồng. Với sự giúp đỡ của giáo viên, nhóm tác giả đã đáp ứng tốt các tiêu chí này.

Để làm được các bức tranh dự thi, Thanh Thảo và Vân Anh đã cố gắng hết mình, đi từng bước để đạt được thành quả mong muốn.

Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” là do một tập thể cùng thực hiện. Mỗi bức tranh mang đi thi thể hiện mong ước của một bạn, nên nó không tập trung vào một chủ đề cụ thể, điều này lại vô tình mang đến sự thú vị và nhận được yêu thích của Ban giám khảo,

Võ Thị Vân Anh cho biết: Những bông hoa sen đại diện cho nước Việt Nam ta, các bạn mong muốn gửi đến hình ảnh quê hương đất nước. Còn các loài động vật là những con vật rất thân thuộc. Cũng có một vài bức tranh nói về người phụ nữ Việt Nam mặc những tà áo dài rất đẹp.

Tranh hoa sen thể hiện lòng yêu quê hương - Ảnh VOV

Vân Anh mong muốn các sản phẩm của em và các bạn được mọi người biết đến nhiều để mọi người hiểu và biết công dụng của những bức tranh làm từ hạt gạo, từ đó có thể tự làm được để hiểu hơn về giá trị của hạt gạo.

Nhiều năm liền, học sinh Trường THCS Thường Thạnh đoạt các giải cao cấp thành phố và toàn quốc với các dự án, giải pháp mới lạ, khả thi, tính ứng dụng cao.

Thế mạnh của nhà trường là các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường và có thể phục vụ tiện ích sinh hoạt.

Điển hình tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm học 2018 - 2019, học sinh của trường là Lê Thị Huyền Trân cùng nhóm học sinh quận Cái Răng đã xuất sắc đoạt giải Nhì với đề tài “Bộ tranh đa chất liệu” - được làm từ bã mía và bã cà phê.

Vân Anh và Thanh Thảo đang cùng thực hiện bức tranh làm từ vỏ trứng - Ảnh VOV

Thời gian qua, nhà trường luôn tìm các vật liệu tái chế để đưa vào môn học, giúp các em say mê, bỏ dần thói quen chơi game hay sử dụng điện thoại thường xuyên.

Cô Đặng Thị Minh Trúc, giáo viên dạy môn Mỹ thuật cho biết: giáo viên mỹ thuật chúng tôi hướng học sinh làm được những chất liệu gần gũi, đã có làm mạt cưa, bây giờ đang làm tranh từ vỏ trứng, vỏ cua, vỏ ốc. Khi làm thành tranh rồi thì mình sẽ gửi cho những người bạn làm xưởng tranh, người ta bán, từ đó hình thành quỹ giúp đỡ những bạn khó khan. Ban đầu là giúp đỡ trong trường trước, rồi sau đó sẽ tìm những địa chỉ khác.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học do Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ tổ chức có 165 dự án tham gia vòng thi chung khảo.

Dự án “Tranh gạo và hướng phát triển” có giá trị thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống như học tập, lao động, sản xuất, tiện ích gia đình...

Qua dự án này, học sinh vận dụng tốt kiến thức đã học và tìm hiểu các nguồn thông tin khác nhau để chế tạo ra sản phẩm dự thi phong phú, đa dạng. Đây cũng là môi trường để các em hoàn thiện ước mơ của mình.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ, Dự án đã phát huy sở trường của các em; định hướng tương lai nghề nghiệp gắn liền với địa phương, nơi các em sinh ra và lớn lên ở đó, từ đó khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước.

Ban đầu nhóm tác giả và nhà trường làm tranh gạo, không nghĩ để bán hay kinh doanh, mà chỉniềm đam mê kết hợp với kiến thức học được, nên đã có những sản phẩm tốt.

Khi làm kinh tế được sẽ quay lại phục vụ cho việc nghiên cứu. Vòng quay cứ thế lặp lại, giúp các em hiểu được giá trị cuộc sống, hiểu được giá trị sản phẩm của những tác phẩm làm ra và cách để tạo nên sản phẩm tốt phục vụ cộng đồng.

Với sự sáng tạo không ngừng, học sinh trường THCS Thường Thạnh nói riêng, học sinh Cần Thơ nói chung đã và đang có những đóng góp nhiều dự án thân thiện môi trường.

Cách dạy học sáng tạo đã giúp học sinh trường THCS Thường Thạnh yêu thích, say mê gửi ước mơ vào từng bức tranh làm từ gạo hay các vật liệu tái chế - Ảnh VOV

Đằng sau mỗi Dự án sẽ là câu chuyện và tâm tình mà học sinh muốn thể hiện, hướng mọi người có thói quen sử dụng năng lượng sạch, sử dụng vật liệu tái chế, tạo nên các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, mang đến “môi trường xanh” cho cộng đồng./.

 

Hồng Phương/VOV ĐB Sông Cửu Long

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC