Hồi đáp tiếng kêu cứu của núi rừng.
Thứ ba, 00:00, 04/12/2018 Thu Ha Thu Ha
VOV4.VN - Hàng trăm người dân thành phố Buôn Ma Thuột đã tới tham dự sự kiện Hưởng ứng Ngày Thế giới Bảo tồn các Loài Hoang dã (4/12 hàng năm) lần đầu tiên được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức.

 

Đây là dịp những người con Tây Nguyên cùng nhau nhìn lại thực trạng tài nguyên các loài hoang dã quý hiếm của quê hương và cùng nhau quyết tâm gìn giữ những món quà quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất cao nguyên tự hào này.

Mảnh đất Tây Nguyên được biết đến với diện tích núi đồi đất đỏ bazan rộng lớn, những con sông đầu nguồn và những khu rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học. Nơi đây cũng là nhà của nhiều loài động vật quý hiếm được pháp luật Việt Nam bảo vệ như hổ, beo lửa, báo, bò tót, bò rừng, voọc chà vá chân đen, công xanh, và đặc biệt là voi - loài động vật loài gắn liền với văn hóa Tây Nguyên nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. 

Từ ngàn đời xưa, người Tây Nguyên nương tựa vào thiên nhiên, sinh sống và phát triển yên bình trong lòng thiên nhiên cùng muôn loài hoang dã. Nhưng trong hơn bốn thập kỷ gần đây, bức tranh hài hoà này đang bị phá vỡ.

Áp lực phát triển đè nặng lên thiên nhiên. Các cánh rừng bị thu hẹp, nhường đất cho phát triển nông lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng. Các con sông, con suối bị ô nhiễm và quần thể các loài hoang dã bị suy giảm nghiêm trọng do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt tận diệt để phục vụ nhu cầu ẩm thực xa xỉ, thuốc đông y và đồ trang sức.

Từ hàng ngàn cá thể voi hoang dã, giờ đây, Tây Nguyên chỉ còn khoảng 70 cá thể, sống co cụm trong Vườn Quốc gia Yok Don. Loài bò tót đẹp đẽ và dũng mãnh, từ hơn 4.000 con, hiện tại chỉ giờ còn chưa tới 400 cá thể trên toàn quốc. Hổ đã biến mất khỏi núi rừng Tây Nguyên và các loài mèo lớn khác đang bị ráo riết săn lùng.

Ông Y Sy H’Dơk, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Quần thể các loài hoang dã đã suy giảm đến mức báo động. Nhưng chúng ta vẫn còn có cơ hội để phục hồi và phát triển.  Rừng Tây Nguyên vẫn đủ giàu để các loài hoang dã tự phục hồi. Điều quan trọng là trả lại cho chúng môi trường sống an toàn và hành lang di chuyển đủ rộng theo tập tính của loài. Chúng ta có quần thể voi hoang dã lớn nhất cả nước hiện đang sinh sống tại Vườn Quốc gia Yok Don, chúng là niềm hy vọng của bảo tồn voi Việt Nam. Nhưng chúng ta phải hành động ngay bây giờ và phải làm nhiều hơn nữa mới có thể đảo ngược tốc độ suy giảm quần thể loài”

Hơn 200 sinh viên từ trường Đại học Tây Nguyên cùng hàng trăm chiến sỹ Kiểm Lâm đến từ nhiều địa phương trong tỉnh, cùng các hiệp hội doanh nghiệp đã làm nóng sự kiện Hưởng ứng Ngày Thế giới Bảo tồn các Loài Hoang dã.  Hai người con sinh ra và lớn lên bằng nguồn nước và hạt gạo Tây Nguyên là hoạ sỹ Trung Nghĩa và nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân, trở về góp tiếng nói và truyền cảm hứng cho thế hệ của mình về tình yêu và niềm tự hào đối với thiên nhiên quê hương.

Chia sẻ về lý do tham gia chương trình, nhà thơ Thiên Ngân nói: “Tôi nghĩ, điều thiết thực nhất tôi có thể làm đó là truyền cảm hứng, khuyến khích mỗi bạn trẻ quê tôi tìm và nhận ra mối liên hệ cụ thể giữa bản thân mình và đàn voi rừng đang chết dần, hay cánh rừng đang bị thu hẹp từng ngày như điều chính tôi đã nhận ra. Để các bạn trẻ thấy mọi thứ trong cuộc sống này liên hệ với nhau một cách chặt chẽ, để bảo vệ rừng và tất cả những thứ liên quan như bảo vệ chính sinh cảnh, sinh kế và bản sắc của mình và những người mình thương yêu.” 

Hoạ sỹ Trung Nghĩa, là người đau đáu với nỗi lo các loài hoang dã đang biến mất dần và anh bắt đầu cầm bút vẽ từ năm 2011. Anh muốn lưu giữ lại những tuyệt tác của thiên nhiên để thức tỉnh người xem về sự suy thoái của môi trường thông qua cách vẽ tranh thật khác biệt, sử dụng nghệ thuật khói, lửa và chất cháy. Lửa đã giúp loài người tiến hóa, con người cũng đã dùng lửa để tàn phá thiên nhiên, và giờ đây khói và lửa được dùng để thức tỉnh con người hãy thay đổi cách đối xử với thiên nhiên vì sự tồn vong của chính mình. Anh đã cùng WWF thực hiện triển lãm “Ký ức tuổi thơ” với năm bức tranh về các loài động vật quý hiếm đã hoặc đang trú ngụ tại các cánh rừng Tây Nguyên.

Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia của WWF-Việt Nam chia sẻ: Tôi hy vọng rằng cam kết ngày hôm nay sẽ được biến thành hành động cụ thể, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Tây Nguyên không buôn bán các sản phẩm ngà voi, nhẫn lông đuôi voi và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. WWF sẽ luôn đồng hành cùng chính quyền và người dân để thực hiện mục tiêu này”./.

 

Thu Ha

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC