Trong buổi làm việc với Sở Công thương tỉnh Kon Tum, UBND huyện Kon Rẫy, đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh và Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh đã thống nhất với phương án khắc phục khô hạn cho khu vực hạ lưu sông Đăk Snghé, nhất là diện tích trên 200ha cây trồng của người dân thôn 3, xã Tân Lập.
(Lòng sông Đăk Snghé khô kiệt thời điểm hai thủy điện trên thượng nguồn tích nước - Ảnh:VOV)
Trước mắt trong thời gian thủy điện Thượng Kon Tum tích nước đến cao trình cống xả môi trường, thủy điện Đăk Ne phía hạ du sẽ xả nước phát điện từ 6 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 15 giờ đến 20 giờ hàng ngày để người dân vùng hạ du có nước bơm tưới cho cây trồng.
Đối với những thiệt hại của cả người dân và doanh nghiệp do việc tích nước mà chưa xả được dòng chảy môi trường do thủy điện Thượng Kon Tum gây ra, Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh thống kê thiệt hại gửi về Sở Công thương và Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh đề xuất phương án hỗ trợ.
Về những thiệt hại đối với diện tích cây trồng do khô hạn của người dân, Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Kon Rẫy rà soát, xác định giá trị thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời; cấp kinh phí để Ban quản lý Khai thác Các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum xây dựng kè dưới lòng sông để nâng dòng chảy cấp nước vào thủy lợi Đăk Snghé.
(Người dân mong nước về để bơm tưới chống hạn - Ảnh:VOV)
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết, chính quyền địa phương sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của hai nhà máy thủy điện để đảm bảo sản xuất cũng như quyền lợi của người dân. Nếu quá trình tích nước, phát điện thực hiện không đúng thời gian thống nhất và cam kết thì địa phương sẽ có biện pháp xử lý.
Trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo UBND tỉnh, các ngành chức năng để có biện pháp xử lý nghiêm. Nội dung rà soát thống kê tác động thiệt hại từ việc tích nước Thượng Kon Tum và điều tiết nước của Nhà máy thủy điện Đăk Ne địa phương đã chủ động rà soát thống kê cụ thể tên hộ, diện tích hoa màu thiệt hại trên cơ sở đó sẽ đưa ra mức hỗ trợ đảm bảo phù hợp để người dân tái sản xuất đảm bảo cuộc sống”.
(Khô hạn khiến sông suối cạn nước- Ảnh:VOV)
Từ ngày 26/ 2/ 2020 thủy điện Thượng Kon Tum, xây dựng trên đầu nguồn sông Đăk Snghé thực hiện việc tích tạm nước hồ chứa dự kiến trong 60 ngày để nghiệm thu một số hạng mục.
Việc thủy điện Thượng Kon Tum tích nước giữa cao điểm mùa khô dẫn đến lưu lượng nước về khu vực hạ lưu giảm đột ngột khiến một thủy điện khác phía hạ lưu là Đăk Ne thiếu nước phát điện nên không thực hiện đúng cam kết đảm bảo dòng chảy môi trường 1,29m3/s.
Hậu quả là người dân vùng hạ du hai nhà máy thủy điện này, chủ yếu là khu vực thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy không có nước để bơm tưới cho hàng trăm ha cây trồng khiến nhiều diện tích bị chết khô./.
Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận