Nhiều diện tích rừng của dự án ở Tây Nguyên biến mất- vì đâu?
Thứ sáu, 00:00, 02/10/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Thiếu năng lực tài chính, hạn chế công tác quản trị và lơ là về quản lý bảo vệ rừng... dự án Xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật của Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã để xảy ra tình trạng phá rừng, chiếm đất trong thời gian dài.

 

Hậu quả để lại là trên 32ha rừng biến mất, thiệt hại một lượng lớn lâm sản, gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội và kéo theo nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Điều đáng buồn là tình trạng tương tự lại xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp được Nhà nước giao rừng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn nơi đây.

Đến trụ sở làm việc của Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước tại tiểu khu 301, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) vào những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là sự hoang tàn, vắng vẻ, các dãy nhà kho và chỗ ở cho công nhân đều đã bị cỏ dại phủ kín.

Trụ sở dự án của Cơ sở Thiên Phước tại huyện Đức Trọng - Ảnh: VOV

Cả một khu vực rộng lớn nhưng chỉ có duy nhất một người đàn ông phụ trách việc trông coi tài sản, không có bất kỳ một hoạt động nào khác. Người đàn ông này cho biết ông được nhờ đến quản lý nơi này vài hôm, mọi thông tin liên quan đến dự án đều không biết gì.

Dự án Xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật của Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2008 và cho thuê đất với diện tích hơn 107ha, trong đó gần 99ha là diện tích có rừng.

Đây là diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy được chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai. Từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư đến nay, Cơ sở Thiên Phước chỉ mới triển khai xây dựng khu văn phòng làm việc, nhà ở công nhân và nhà kho, với tổng diện tích khoảng 400m2 và những công trình này đều xây dựng trái phép vì chưa lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Đặc biệt, công tác quản lý bảo vệ rừng của Cơ sở Thiên Phước gần như bị buông lỏng, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm và san ủi đất lâm nghiệp trái phép trong suốt thời gian dài. Hậu quả là đã có hơn 34ha rừng bị mất và lấn chiếm.

Mặc dù Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng thường xuyên và liên tục tăng cường lực lượng để hỗ trợ, xử lý và ngăn chặn nhưng do sự lơ là, buông lỏng của chủ dự án nên nạn phá rừng, chiếm đất ở nơi đây vẫn xảy ra.

                                                         

Một vụ phá rừng, chiếm đất xảy ra tại một dự án ở huyện Đức Trọng - Ảnh: VOV

Trong các vụ vi phạm, một số vụ có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển cơ quan điều tra, đề nghị khởi tố vụ án hình sự nhưng sau đó đều rơi vào im lặng. Vì vậy công tác quản lý bảo vệ rừng ở nơi đây càng thêm khó khăn hơn.

Theo ông Lương Ngọc Phương, Phó Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết: “Khó khăn của đơn vị là do diện tích rừng của huyện trải dài và nhiều doanh nghiệp trong khi lực lượng kiểm lâm rất mỏng. Đối với xã Tân Thành lại không có Ban lâm nghiệp xã, vì kiêm nhiệm nên kiểm lâm địa bàn thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát trên 3 địa bàn nên rất khó khăn.

Đặc biệt, rừng này là tài sản của công ty Thiên Phước, khi xảy ra phá rừng nằm trong diện hủy hoại tài sản, tài sản cá nhân chứ không phải tài sản của nhà nước nên việc xử lý rất là khó”.

 Doanh nghiệp buông lỏng quản lý, cơ quan chức năng thì kêu khổ vì thiếu nhân lực là nguyên nhân chính dẫn đến rừng bị tàn phá và lấn chiếm.

Theo kết luận thanh tra số 2094, ngày 13/04/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng, không chỉ riêng Cơ sở Thiên Phước mà hơn 20 doanh nghiệp khác được giao rừng để thực hiện các dự án đầu tư tại huyện Đức Trọng đều để xảy ra tình trạng tương tự, với tổng diện tích rừng bị phá lên đến 677ha và 296ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, lập hồ sơ xử lý một vụ phá rừng tại Cơ sở Thiên Phước - Ảnh: VOV

Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng thừa nhận công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương còn nhiều hạn chế và bất cập. Đối với cơ sở Thiên Phước, trước mắt tỉnh tập trung quản lý diện tích 23ha đã giải tỏa, 11ha còn lại thì sẽ tập trung lực lượng tiến hành kiểm tra, xử lý và trồng lại rừng theo đúng quy định.

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê rừng và đất rừng thực hiện các dự án đầu tư để xảy ra phá rừng, chiếm đất tại huyện Đức Trọng, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nạn phá rừng, chiếm đất ở nơi đây hiện vẫn chưa được chấn chỉnh triệt để./.


Quang Sáng
/VOV
Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC