Ông Y Mứ Bkrông, chủ voi cái tên Bang Nang ở huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc đang tính từng ngày đến ngày voi sinh sản. Theo dự đoán của các bác sĩ thú y của Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc và Tổ chức động vật Châu Á, dự kiến voi Bang Nang sẽ sinh vào cuối tháng 9 này.
Nếu thành công, đây là lần đầu tiên sau 30 năm một cá thể voi nhà sinh sản. Đây được coi như một niềm hy vọng của những người làm công tác bảo tồn voi tại Tây Nguyên hiện nay. Cá thể voi này đang được chăm sóc đặc biệt tại khu vực có điều kiện sinh cảnh thuận lợi, phù hợp với sự phát triển loài voi.
Về tình trạng sức khỏe của voi Bang Nang hiện nay, ông Y Mứ cho biết: “Sức khỏe voi Bang Nang bây giờ đang rất bình thường. Các bác sĩ thú y của trung tâm bảo tồn đang theo dõi mỗi ngày, liên tục chăm sóc không thiếu một ngày nào”.
Voi Jun đang được chăm sóc tại trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc
Cùng với dự án nghiên cứu để voi nhà sinh sản, Trung tâm bảo tồn voi Đắc Lắc đã cứu hộ thành công 2 cá thể voi hoang dã. Đó là chú voi Gold, 2 tháng tuổi lạc mẹ, được cứu sống sau khi bị rơi xuống giếng tại huyện Ea Súp cách đây hơn 1 năm. Đến nay, voi Gold đang phát triển khá tốt trong môi trường bán tự nhiên.
Còn 1 cá thể voi khác được đặt tên là Jun, được cứu hộ trong tình trạng kiệt sức, chân voi sắp đứt đôi và bị hoại tử do dính bẫy. Sau thời gian nỗ lực điều trị, với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, sức khỏe của voi Jun đến nay cũng đã ổn định. Từ “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắc Lắc đến năm 2020”, công tác vận động tuyên truyền các chủ voi đã được thực hiện.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắc Lắc, cho biết: “Khi triển khai các dự án bảo tồn voi thì tất cả các chủ voi tại Đắc Lắc rất hỗ trợ chúng tôi thực hiện việc này vì nhận thức nếu không còn voi nữa thì Tây Nguyên sẽ mất đi giá trị rất lớn và bản thân gia đình người ta cũng mất đi một nguồn thu nhập. Cho nên họ phối hợp rất chặt chẽ với chúng tôi trong quá trình chăm sóc, hợp tác rất tốt với thú y trung tâm để thực hiện việc chữa trị cho từng cá thể voi”.
Theo thống kê, Đắc Lắc hiện nay còn hơn 40 cá thể voi nuôi nhốt, trong đó có 25 voi cái, nhưng chỉ còn 7 cá thể voi cái còn khả năng sinh sản. Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện tổ chức động vật Châu Á tại Việt Nam, cho rằng, bên cạnh việc quản lý bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà, khôi phục và bảo vệ nguồn gen động vật, tuyên truyền vận động người dân thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất từ voi thì Đắc Lắc cần quan tâm hơn nữa đến yếu tố môi trường, khôi phục sức khỏe đàn voi.
“Phải cải thiện đời sống của đàn voi hiện nay. Đàn voi nhà tương đối già, đã qua độ tuổi sinh sản, vì thế phải ngay lập tức chấm dứt việc khai thác đàn voi qua sức. Phải bắt đầu phục hồi. Nếu chúng ta muốn có voi trong tương lai thì chúng ta phải làm như thế, chẳng còn cách nào khác" - ông Tuấn Bendixsen nói.
Voi là biểu tượng văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên. Hi vọng với những nỗ lực của tỉnh Đắc Lắc, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, sẽ góp phần khôi phục số lượng đàn voi nhà trong thời gian tới.
Hương Lý/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận