Ổn định sinh kế nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Thứ ba, 09:31, 08/02/2022 Thu Ha bt- 2 ảnh Thu Ha bt- 2 ảnh
VOV4.VN - Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hơn 15 ngàn hộ dân tộc thiểu số K’ho tại tỉnh Lâm Đồng đã hưởng lợi trực tiếp, tăng thu nhập từ rừng, cải thiện sinh kế và từng bước vươn lên.

 

Tổ chức vui xuân trong trạng thái bình thường mới, thích ứng với dịch bệnh Covid-19, nhưng Tết năm nay, với gia đình ông Liêng Trang Ha Solly, ở thôn 2, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) lại rộn ràng, đầm ấm hơn.

Không phấn khởi sao được khi giá cả cà phê tăng cao, cộng với số tiền nhận khoán bảo vệ rừng… không chỉ đảm bảo nhu cầu đời sống mà trong năm 2021 vừa qua gia đình ông còn tích lũy được một khoản tiền kha khá. Kinh tế ổn định, gia đình mua sắm đầy đủ các nhu yếu phẩm để chia vui, đón mừng năm mới cùng buôn làng.

Ông Liêng Trang Ha Solly phấn khởi cho biết: Trước kia đời sống có quá nhiều khó khăn, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp bà con có thêm nguồn thu nhập để trang trải sinh hoạt hàng ngày. Tết nguyên đán năm nay nhà nào cũng mua sắm đầy đủ các nhu yếu phẩm, cùng chung vui với mọi người, cùng ăn mừng và đón chào xuân mới mong muốn có thêm nhiều thành công mới.

Vui xuân đón tết không quên nhiệm vụ tuần tra, quản lý bảo vệ rừng

Già làng Păng Ting Doanh, Bí thư chi bộ thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, kể: trước đây số tiền giao khoán quản lý bảo vệ rừng là hơn 400.000đ/ha/năm thì nay đã tăng lên 650.000đ/ha/năm. Bình quân mỗi hộ nhận khoán quản lý bảo vệ từ 20 đến 25ha rừng, đem lại nguồn thu ổn định 13 đến 16 triệu đồng/năm. Cộng với các nguồn thu nhập chính từ canh tác rau màu, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm… đời sống của người dân đã ổn định. Riêng năm nay, nhờ cà phê được giá, cộng với số tiền chi trả từ dịch vụ môi trường rừng được nhận vào cuối năm, nên bà con khắp buôn làng đều tổ chức đón tết đầy đủ và no ấm.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân, mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng đối với người dân tộc thiểu số K’ho ở Lâm Đồng.

Hiện nay, toàn bộ diện tích trên 40.800ha rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đều giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý bảo vệ. Trong đó, phần lớn diện tích rừng được giao cho gần 1.500 hộ người K’ho ở các xã Đạ Sar, Đa Nhim và Đạ Chais của huyện Lạc Dương. Nhờ có dân mà công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn.

Ông Đinh Hữu Đạo, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết: Khi tiền chi trả dịch vụ môi trường tăng lên thì ý thức, trách nhiệm của các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng cũng tăng cao, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô. Các tổ phân công trực tại những điểm đã được bố trí để phát hiện và xử lý đám cháy kịp thời. Do vậy những năm gần đây trên lâm phần của đơn vị không có cháy rừng xảy ra. Trong những ngày Tết nguyên đán, các hộ nhận khoán, sau khi sắm sửa tết, đón giao thừa xong thì bà con tham gia cùng đơn vị tại các trạm cơ sở để trực cháy cũng như tuần tra, kiểm tra rừng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần giúp các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng sống gắn bó với rừng như truyền thống ngàn đời. Cùng với những chương trình, chính sách khác do Đảng và Nhà nước đầu tư, như chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… đang thực sự giúp bà con có thêm điều kiện, động lực để phát triển bền vững./.

         

Quang Sáng/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt- 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC