Sơn La- vấn nạn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Thứ năm, 00:00, 14/06/2018 THU HA bt THU HA bt
VOV4.VN - Sơn La là tỉnh có diện tích trồng trọt lớn, với khoảng 320 nghìn héc ta đất nông nghiệp, số lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật trung bình vào khoảng 300 nghìn lít mỗi năm. Tương đương với lượng thuốc bảo vệ thực vật này, mỗi năm số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra môi trường từ 15 đến 20 tấn. Tuy nhiên, người dân chưa có ý thức trong việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và môi trường.

 

 

Ở nhiều nương rẫy hay dưới lòng suối, con mương ở miền núi Sơn La những vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật bị vứt chỏng chơ, thậm chí, nhiều lọ vẫn còn nhiều thuốc. Chỉ cần một trận mưa chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân.

Năm 2016, tỉnh Sơn La đã cho xây dựng thí điểm các bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, các điểm bản có bể chứa, người dân đã có ý thức và thói quen thu gom tập trung vỏ bao bì. Nhiều đồng bào là người dân tộc thiểu số cũng đã biết bỏ vỏ bao bì vào đúng nơi quy định. Các bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đặt tại những khu sản xuất tập trung, thuận tiện cho việc thu gom vỏ bao sau khi sử dụng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là do số lượng bể chứa quá ít nên người dân không có chỗ bỏ, tiện tay vứt bừa bãi. Nhu cầu về bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Sơn La dự kiến cần khoảng từ 10 đến 15 nghìn bể, nhưng hiện nay toàn tỉnh mới có khoảng 300 bể chứa. Các bể chứa này được xây dựng một phần là do nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, một phần do người dân đóng góp.

Đây là loại rác thải nguy hại không được để chung với rác thải sinh hoạt và không được tự ý đốt hay chôn. Cả tỉnh cũng chưa đơn vị nào đủ năng lực và điều kiện để xử lý.

 

(Vỏ bao bì vứt bừa bãi)

Trước mắt tỉnh Sơn La đang xây dựng đề án thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Theo kế hoạch, trong năm 2018 tỉnh sẽ xây thêm 500 bể. Đến năm 2020 sẽ cố gắng có 2000 bể chứa. Với số lượng vỏ bao bì lớn như vậy thì cần phải có một tổ chức đủ năng lực để vận chuyển và xử lý. Công việc này do ngành nông nghiệp  đảm nhiệm.

Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là vụ sản xuất chính của nông dân Sơn La. Đây là thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất trong năm, trong đó thuốc diệt cỏ chiếm tới 80%, thuốc trừ sâu chiếm 13%, thuốc trừ bệnh chiếm 4%, các thuốc khác chiếm 3%.

Trong khi chờ triển khai đề án thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý thức sử dụng cũng như thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật cho người dân cần được thực hiện thường xuyên và hơn hết vẫn là ý thức tự giác của mỗi người trong việc bảo vệ môi trường./.  





Thanh Thủy /VOV Tây Bắc

 

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC