Thớt gỗ nghiến bán công khai tại Sơn La
Thứ sáu, 00:00, 19/01/2018
VOV4.VN - Ttình trạng vận chuyển, mua bán gỗ nghiến dạng thớt trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn diễn ra và có chiều hướng phức tạp. ​Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các đối tượng tổ chức các hoạt động vận chuyển, mua bán thớt gỗ nghiến, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, kiểm tra xử lý.

 

Đến chợ trung tâm và một số chợ đầu mối ở thành phố Sơn La, bất kỳ lúc nào, người ta dễ dàng mua được những chiếc thớt gỗ nghiến với giá từ 50 nghìn đồng đến 2 triệu đồng, tùy theo kích cỡ. Tại quầy hàng thớt của chị Nguyễn Thị Hồng, chợ trung tâm thành phố Sơn La, hàng trăm chiếc thớt gỗ nghiến đang được bày bán.

Chị Hồng cho biết, toàn bộ số thớt gỗ nghiến này được nhập từ hai huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai. Thớt không chỉ bán tại chợ mà thường xuyên được gửi về Hà Nội và các tỉnh miền xuôi khi khách có nhu cầu. Chỉ cần đặt hàng, sau 3-4 ngày sẽ có đủ số lượng và kích cỡ theo yêu cầu của khách.

Thớt gỗ nghiến bày bán tại chợ thành phố Sơn La

Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Hàng nhà em luân chuyển suốt ngày. Hôm qua em vừa chuyển cho  khách ở Yên Nghĩa 196 chiếc thớt . Hàng này nói thẳng ra là vận chuyển rất chi là phức tạp. Chuyện mà không may xảy ra thì rủi ro cũng rất cao”.

Anh Nguyễn Văn Thanh, một tiểu thương tại chợ trung tâm, tiết lộ: "Chở ít một thì ngại gì, không chở được ô tô đâu, "đánh du kích" thôi.  Có nghĩa là nhà ở đâu thì xe ôm chở đến cho rồi mình bốc lên xe. Nếu không thì anh cho đầu dưới Hà Nội mà làm, có nghĩa là nó giao hàng tại Hà Nội, ở đấy là nó đánh cả xe to mỗi chuyến về hàng nghìn thớt".

Trả lời phóng viên Đài TNVN về tình trạng mua bán thớt nghiến hiện nay, ông Phạm Quang Cảnh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Sơn La, lại cho biết: Số thớt gỗ nghiến đang được bày bán tại các chợ ở thành phố Sơn La là  thớt được tư thương mua lại qua các lần phát mại và có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tuy nhiên, cũng chính từ những giấy tờ hợp pháp này mà nhiều đối tượng đã vận chuyển, mua bán thớt gỗ nghiễn có nguồn gốc không hợp pháp ở nhiều nơi về để trà trộn, lợi dụng quy định gỗ không đủ quy cách đóng dấu búa Kiểm lâm hợp pháp hóa  thành gỗ có nguồn gốc hợp pháp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra nguồn gốc lâm sản. Vì thế, thời gian qua đã có không ít vụ vận chuyển, mua  bán thớt gỗ nghiễn bị lực lượng chức năng bắt giữ, tuy nhiên không đủ cơ sở để xử lý.

Dễ dàng mua thớt nghiến ở chợ Sơn La

Cũng tương tự, tại huyện Thuận Châu, tình trạng vận chuyển, mua bán thớt gỗ nghiến diễn ra phức tạp, khó quản lý, tập trung nhất tại  khu vực giáp ranh với huyện Tuần Giáo, huyện Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, tại đỉnh đèo Pha Đin nơi tiếp giáp giữa huyện Tuần Giáo và huyện Thuận Châu, thớt gỗ nghiến có đường kính mặt thớt từ  25-80 cm được bày bán ngay tại quốc lộ 6.

Đây là khu vực giáp ranh, địa bàn rộng, dốc cao, núi đá hiển trở. Các đối tượng cắt gỗ thành thớt vận chuyển nhỏ lẻ, sau đó bán cho những người kinh doanh, nên việc ngăn chặn các đối tượng khai thác thớt gỗ nghiến gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng sử dụng hồ sơ có nguồn gốc hợp pháp của các công ty dưới xuôi để quay vòng vận chuyển thớt gỗ nghiến nhiều lần, gây khó khăn cho công tác quản lý lâm sản của lực lượng kiểm lâm, cũng như các ngành chức năng.

Ông Nguyễn Văn Bừng, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Thuận Châu, cho biết: “Các đối tượng thường sử dụng xe máy cũ nát mua từ các cơ sở phế liệu không xác định được chủ sở hữu để vận chuyển. Khi gặp lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng đi với tốc độ cao để trốn tránh. Nếu bị truy đuổi không có khả năng chạy thoát, các đối tượng cắt dây chằng vứt thớt xuống tháo chạy, gây nguy hiểm cho người truy đuổi và những người tham gia giao thông, hoặc vứt cả xe và tang vật để trốn nên rất khó bắt giữ, xử lý. Thậm chí có cả hiện tượng sử dụng xe ô ô con (bán tải) lén lút thu gom, vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ, gây khó khăn trong việc phát hiện, xử lý”.

Chỉ tính trong năm 2017,  lực lượng kiểm lâm phối hợp với các lực lượng chức năng ở tỉnh Sơn La đã lập biên bản xử lý 49 vụ; tịch thu 3.269 chiếc thớt nghiến, tương đương 15,8m3, thu phạt hành chính 189 triệu đồng. Thực tế cho thấy, số vụ vi phạm bị xử lý là khá ít ỏi.

Nguyên nhân chính là do các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong quy định về gỗ để vận chuyển, mua bán thớt gỗ nghiến trái phép mà lực lượng chức năng không có căn cứ để xử lý vi phạm. Bởi Điều 3-Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11.11.2013 quy định: Gỗ tròn, bao gồm gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính  đầu nhỏ từ 10cm đến dưới 20cm, chiều dài từ 1m trở lên  hoặc có đường kính đầu nhỏ  từ 20cm trở lên, chiều dài từ 30cm trở lên mới được công nhận là gỗ.

Thớt gỗ nghiến có đường kính mặt thớt to, nhưng chiều dài nhỏ hơn nhiều so với quy định nên hiện tại vẫn chưa được coi là gỗ, không đủ điều kiện để đóng dấu búa kiểm lâm. Như vậy rõ ràng các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để khai thác, vận chuyển, mua bán thớt gỗ nghiến trái phép. Điều này cho thấy việc quản lý gỗ nghiến tròn dạng thớt hiện nay còn rất nhiều bất cập.  

Việc có các quy định cụ thể, chi tiết hơn đối với lâm sản chuyển đến, chuyển đi; đặc biệt là quy định riêng đối với quản lý gỗ nghiến dạng thớt không đủ quy cách đóng dấu búa là cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý những vụ khai thác, vận chuyển, mua bán thớt gỗ nghiến trái phép trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.

 

 

 

Thiều Nghiệp/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC