Tránh lũ ở Tây Bắc: Cần những chính sách phù hợp
Thứ sáu, 00:00, 06/10/2017
VOV4.VN - Bởi chỉ thống kê trong 2 năm lại đây, các địa phương khu vực Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Lào Cai đã có trên 130 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để tránh xa lũ quét, sạt lở đất?

Cần rà soát lại toàn bộ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng lũ quét và quy hoạch, xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn tránh hoàn toàn ra khỏi vùng ảnh hưởng của lũ quét. Đây là nhận định của các chuyên gia và một số bộ, ngành chức năng sau khi đi khảo sát thực tế tại vùng bị ảnh hưởng bởi các trận lũ quét lịch sử tại huyện Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái) hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Phát biểu tại hiện trường vùng lũ Mường La, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi Tây Bắc có sức tàn phá rất lớn, cả về lưu lượng và lưu vực. Lũ quét kéo theo những tảng đá nặng lên đến 15 tấn thì không thể có một công trình nhà nào có thể chống chọi được.

Lũ quét kéo theo những tảng đá nặng lên đến cả tấn

Cần làm và phải làm. Biết vậy và thực tế là những năm qua, các địa phương vùng Tây Bắc đã chú trọng việc rà soát, quy hoạch, di chuyển dân ra khỏi các vùng nguy hiểm sạt lở, song kết quả đạt được lại không như mong muốn.

Hiện nay, việc bố trí dân cư đang được các địa phương khu vực Tây Bắc thực hiện theo quyết định số 1776, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Song, mức hỗ trợ di chuyển chỉ từ 20 đến 25 triệu đồng/hộ là quá thấp, thậm chí không thể thực hiện. Đến nay, tỉnh Lào Cai mới di chuyển được 290 trong tổng số hơn 500 hộ cần di chuyển, tỉnh Yên Bái gần 1.400 hộ trong tổng số trên 3.000 hộ…

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho rằng: "Ngoài Nghị quyết của Đảng ra thì phải có chính sách cụ thể, và phải ưu tiên đặc biệt để có nguồn lực đầu tư, chứ như hiện nay thì rất khó. Để làm được 1 điểm di dân thì cũng mấy chục tỷ chứ không ít. Hàng năm cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm rồi, nhưng vẫn không đáp ứng. Nguồn lực của tỉnh Sơn La cũng như các tỉnh miền núi rất có hạn".

Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, kiến nghị: "Chúng tôi kiến nghị với Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Yên Bái và các địa phương để tiến hành việc di dân trong dài hạn, đảm bảo dân cư định cư sinh sống cũng như sản xuất an toàn".

Trồng rừng được coi là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay

Mất rừng được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở đất ở Tây Bắc. Vì vậy, giữ rừng và trồng rừng được coi là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Tuy nhiên, việc đầu tư trồng rừng phòng hộ chỉ với mức 15 triệu đồng một héc ta và giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên chỉ với mức 200.000đồng/ha/năm như hiện nay là quá thấp đối với đặc thù Tây Bắc.

Điều này khiến nhiều năm nay, từng khoảnh rừng ở Tây Bắc liên tiếp “không cánh mà bay”; việc trồng rừng thì ì ạch, nhiều địa phương liên tục nhiều năm trồng chỉ đạt vài chục phần trăm kế hoạch đề ra, như tỉnh Điện Biên, năm 2015 trồng rừng chỉ đạt 24,4%; năm 2014, thậm chí cả 2013 cũng chỉ trồng rừng đạt 30 đến 35% kế hoạch… Thực tế đó cho thấy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tây Bắc về phát triển rừng.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết: "Rừng là một trong những thế mạnh. Nhưng để có thể nuôi sống được đồng bào thì phải có chính sách đặc thù và thiết thực, phù hợp với từng loại rừng, từng vùng miền. Ví dụ như chính sách khoanh nuôi thì không thể áp dụng chung cho tất cả các vùng, mà phải tùy từng tỉnh, tỉnh này có thể 1 héc ta cao hơn, tỉnh kia 1 héc ta thấp hơn… phải như thế, chứ ra đồng loạt là rất khó".

Từ thực tế các vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng tại Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái), Tùng Chỉn (Bát Xát, Lào Cai) trong thời gian qua, và theo thống kê trong 2 năm trở lại đây, chỉ tính riêng trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái và Lào Cai đã có trên 130 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, căn cứ dự báo diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, các nhà khoa học cảnh báo: Nếu một số bà con vẫn còn chủ quan giữ tập tục sống ở ven sông, ven suối vùng nguy hiểm, các địa phương không bố trí, sắp xếp lại khu dân cư; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất hiệu quả; đặc biệt không có những chính sách mạnh, đặc thù cho Tây Bắc trong bảo vệ và phát triển rừng, thì nhiều khu vực dân cư ở đây có thể “biến mất” trong tương lai!

Trong bối cảnh các tỉnh Tây Bắc đều thuộc danh sách các tỉnh nghèo nhất cả nước, lại là vùng “phên dậu” của đất nước, để giải quyết vấn đề này, bà con sống trong vùng nguy hiểm đang chờ mong những chính sách đặc thù, phát huy hiệu quả trong phòng chống thiên tai để giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản mỗi khi mùa mưa lũ ập về.

 

 

VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC