Chuyện về ông chủ trang trại chăn nuôi từng là cậu bé bắt phi công
Thứ năm, 00:00, 20/08/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Từ một cậu bé từng bắt phi công Mỹ năm nào, nay oong Nguyễn Đình Đạo đã thành ông chủ trang trại chăn nuôi lợn an toàn ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Mỗi năm ông xuất bán hàng ngàn con lợn, mang lại thu nhập cao và tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương.

 

Từ cậu bé bắt phi công trở thành ông chủ trang trại

Cứ đều đặn ngày 3 lần, kỹ sư chăn nuôi Trần Công Trường làm việc ở trang trại chăn nuôi lợn Ít Ong lại tiến hành kiểm tra quy trình chăn nuôi, chăm sóc đàn lợn của người lao động ở đây.

Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn thì gần 20 lao động phải thực hiện rất nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh, khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại.

Ông Đạo kiểm tra chuồng trại - nh: VOV

Anh Trần Công Trường cho biết: “Chúng tôi thực hiện 2 quy trình phòng dịch. Thứ nhất là phòng dịch bằng vacxin. Lợn được đưa về sức khỏe ổn định là tiêm phòng vacxin để phòng dịch. Quy trình thứ 2 là phòng dịch từ xa.

Ngay từ ngoài cổng phải rắc vôi cổng thường xuyên, có nhà sát trùng ngoài cổng. Khách, công nhân viên đến sẽ tắm sát trùng ở đó và thay quần áo của trại. Vào trại phải cách ly 48 tiếng mới vào khu sản xuất. Ở khu sản xuất cũng có hệ thống phun sương sát trùng đường đi. Trong chuồng có phun sát trùng thường xuyên”.

Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, toàn bộ diện tích hơn 3 hecta, trong đó, riêng khu chăn nuôi 2 hecta  nằm biệt lập tại một khu đồi dọc sông Đà, cách xa khu dân cư đã được trồng các loại cây xanh, cây ăn quả các loại.

Ngoài hệ thống khử khuẩn từ ngoài đường vào trong, khu chăn nuôi được đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, có hệ thống làm mát cho lợn với nhiệt độ trong chuồng luôn ở mức 30 độ, hệ thống tắm, máng ăn uống tự động. Chế độ ăn uống của lợn đảm bảo dinh dưỡng, với 5-6 loại cám và có sổ theo dõi tiêm phòng định kỳ.

Truồng trại nuôi lợn khép kín của trang trại - nh: VOV

Chủ trang trại chăn nuôi, ông Nguyễn Đình Đạo năm nay gần 70 tuổi, nhưng rất nhanh nhẹn, xốc vác với công việc chăn nuôi lợn. Ông Đạo cho biết: Khu này vốn trước đây là nơi ở của công nhân các đơn vị thi công nhà máy thủy điện Sơn La. Khi nhà máy thủy điện hoàn thành đi vào hoạt động, các đơn vị thi công rút đi, đất đai ở đây dày đặc đá sỏi, dầu mỡ.

Việc quyết định thuê mặt bằng ở đây để đầu tư 12 tỷ đồng, trong đó vay một nửa để cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt cho công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cũng là quyết định khá mạo hiểm.

Chuồng trại đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ- nh: VOV

Nhưng mong muốn vươn lên thôi thúc ông quyết tâm thực hiện. Là đảng viên, là cựu chiến binh, đặc biệt  thời niên thiếu từng tham gia bắt phi công Mỹ thì không thể lùi bước trước khó khăn.

Năm 1972, khi ông Nguyễn Đình Đạo mới học lớp 7 tại trường PTCS Xuân Phúc, Phúc Thọ, Hà Tây (nay là Hà Nội), ông đã cùng 4 anh dân quân trong thôn quyết tâm bắt được phi công Mỹ trên máy bay bị quân ta bắn hạ rơi trên sông.

Như một cái duyên, lớn lên đi bộ đội, ông Đạo cũng được chọn vào đơn vị phòng không không quân. Năm 1982, ông mới chuyển ngành về công ty thương nghiệp huyện Mai Sơn, Sơn La, rồi nghỉ chế độ vào năm 2008 và tiếp tục tham gia hoạt động ở cơ sở, là phó Bí thư chi bộ, tiểu khu trưởng một tiểu khu ở thị trấn Hát Lót.

T một cậu học sinh lớp 7 tham gia bắt sống phi công Mỹ, tham gia làm người lính bộ đội cụ Hồ, rồi làm nhiều việc trong lĩnh vực thương nghiệp thời bao cấp, tất cả những quãng thời gian ấy đã tôi luyện cho ông Đạo ý chí quyết tâm, tư duy làm kinh tế lớn. Ông luôn mơ ước xây dựng một trang trại lớn để tạo điều kiện cho bà con, nhân dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định để phát triển kinh tế”.

Từ năm 2011, trang trại  chăn nuôi lợn Ít ong do ông Đạo làm chủ, bắt đầu đi vào hoạt động với quy mô ban đầu 3.000 con lợn trắng Thái Lan.

Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam trực tiếp cung cấp giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Còn trang trại của ông Đạo được công ty trả công chăm sóc bình quân 4.300đ/1 kg. 

Mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa nuôi trong vòng 5 tháng tháng rưỡi, mỗi con nuôi từ 5,5 kg đến 130 kg, bình quân một năm trang trại của ông Đạo xuất bán cho công ty từ 800 đến 1.000 tấn lợn hơi, cho doanh thu bình quân 4 tỷ đồng. Trừ lương công nhân, cùng các chi phí khác, trang trại vẫn có lãi già nửa.

Trong nhiều năm, đàn lợn của trang trại luôn phát triển tốt, không bị dịch bệnh, thu nhập của gần 20 lao động phần lớn là người dân địa phương được duy trì ổn định từ 5 đến 8 triệu đồng.

 

Lan tỏa mô hình chăn nuôi lợn an toàn nơi vùng khó

Anh Lường Văn Hùng, dân tộc Thái quê ở xã Chiềng La, Mường La, một lao động cho trang trại chăn nuôi lợn Ít Ong của ông Nguyễn Đình Đạo cho biết: nhờ nguồn thu nhập ổn định từ trang trại lợn, anh đã có thêm điều kiện giúp gia đình vượt qua khó khăn vươn lên.

Một số hộ dân trên địa bàn huyện Mường La cũng học tập cách chăn nuôi lợn, phòng chống dịch của trang trại bước đầu thành công.

Như gia đình a Lò Văn Sắm, dân tộc Thái ở thị trấn Ít Ong đã đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt giống địa phương trên nương của gia đình để đảm bảo cách xa khu dân cư. Một số kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng, chế độ ăn cũng được anh học hỏi từ trang trại nhà ông Đạo để áp dụng vào mô hình chăn nuôi nhà mình.

Nhờ thế, mỗi năm anh xuất đều hàng trăm kg lợn hơi, cho thu trên dưới 300 triệu đồng.

Ông Phạm Đức Huynh, Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong cho biết: với trên 960 hộ nuôi lợn và tổng đàn trên 3.000 con, thị trấn rất khuyến khích bà con có điều kiện về đất đai, kinh tế có thể học theo mô hình chăn nuôi lợn an toàn theo mô hình chăn nuôi của ông Đạo.

Từ thành công trong chăn nuôi lợn thương phẩm tại một địa phương hàng năm thường xuyên xảy ra dịch bệnh, ông Nguyễn Đình Đạo cho biết: trong 1, 2 năm tới ông sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi và đây luôn là địa chỉ cho mọi người dân đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn để phát triển kinh tế gia đình.

Ông Đạo cho biết: để có được thành công người chăn nuôi phải thực sự kiên trì, tâm huyết với công việc mình đã chọn. Nhất thiết khu chăn nuôi phải được khử khuẩn thường xuyên, nằm ở vị trí cách xa khu dân cư để tránh dịch bệnh.

Những chú lợn trong trang trại được chăm sóc kỹ càng - nh: VOV

Ngoài ra, đàn lợn phải được chăm sóc, chế độ ăn, tiêm phòng kỹ càng, làm sao phải an toàn về môi trường, an toàn về dịch bệnh và an toàn thực phẩm, không sử dụng bất cứ hóa chất hoặc chất tăng trọng ngoài những loại cám phổ thông đã được Nhà nước quy định.

Giờ đây ông Đạo  đã gần 70 tuổi. Mong muốn của ông là được gặp lại người phi công Mỹ năm xưa hơn ông quãng 10 tuổi để thăm hỏi, động viên  nhau; chia vui tuổi già, rồi cùng là những tấm gương sáng cho con cháu đoàn kết, phát triển./.

 

                                                           Nhóm PV VOV Tây Bắc

 

 

 

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC