Đắk Nông: Một phụ nữ chế biến thành công sữa mắc ca
Thứ năm, 00:00, 11/06/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Với mong muốn đa dạng hóa sản phẩm, nâng giá trị gia tăng, chị Tôn Nữ Ngọc Như, sinh năm 1990, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đã chế biến thành công sản phẩm sữa mắc ca từ hạt tươi, bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao.

 

Là người quanh năm tất bật với mua, bán, bóc, sấy sản phẩm mắc ca, thế nhưng tổng sản lượng mà chị Ngọc Như bán ra cũng chỉ dưới 5 tấn hạt sấy, trị giá khoảng 1 tỷ rưỡi đồng.

Kinh doanh hạt mắc ca giờ đã trở thành một nghề tương đối phổ biến. Cả huyện Tuy Đức có hàng chục cơ sở. Cách làm của các hộ giống hệt nhau và sản phẩm cuối cùng chỉ là hạt mắc ca sấy tách nửa vỏ. Sản phẩm tuy thơm ngon, nhưng đơn điệu.

Với suy nghĩ, muốn đẩy mạnh tiêu thụ thì phải mở rộng đối tượng khách hàng, trong đó chú trọng vào người già và trẻ em, chị Như bắt đầu mày mò sản xuất ra sữa mắc ca. Và chị khá bất ngờ vì sản phẩm mới mẻ này ngày lập tức được nhiều khách hàng  lựa chọn.

Chị Ngọc Như với sản phẩm sữa mắc ca -nh: VOV 

Hương vị sữa mắc ca rất tự nhiên, ngon ngậy, giàu dinh dưỡng, phù hợp với người già và trẻ nhỏ.

Chị Như cho biết: Bước đầu mình chỉ nấu quy mô nhỏ thôi và để khách hàng họ góp ý, đánh giá. Lúc đầu bán cho các bà mẹ có con nhỏ và được họ phản hồi khá tốt, họ mua nhiều lắm. Hương vi mắc ca thì thơm ngon, sữa mắc ca có mùi vị như quả sấy và chỉ là thay đổi từ ăn sang uống thôi. Nếu quả thì trẻ nhỏ chưa có răng, người lớn tuổi răng yếu không ăn được, nhưng là sữa thì đều sử dụng dễ dàng.

Sản phẩm sữa mắc ca của cơ sở Như Ý ở huyện biên giới Tuy Đức, Đắk Nông -nh: VOV  

Cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su và khoai lang, thì mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Toàn huyện Tuy Đức hiện có 1.000 ha mắc ca, trong đó hơn 400 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng hàng năm ước đạt trên 100 tấn quả.

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, dây chuyền hiện đại về chế biến mắc ca. Tuy nhiên, các sản phẩm thường na ná nhau, không mang tính đột phá.

Trái mắc ca tươi dùng để chế biến sữa mắc ca -nh: VOV  

Bà Phạm Thị Phượng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức nhận xét: Cơ sở sản Như Ý do chị Như làm chủ đã chế biến thành công sữa mắc ca là tín hiệu đáng mừng. Dù với quy mô của gia đình nhưng sản phẩm này rất độc đáo, mở ra hướng đi cho địa phương. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức đang tham mưu cho UBND huyện Tuy Đức để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình để áp dụng mang lại lợi nhuận cũng như giá trị của cây mắc ca cho địa phương./.        

 

Tuấn Long/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC