Sau hơn 10 năm kiên trì với sản phẩm thịt gà đen Hmong, ông Lưu Văn Đức, Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Đại Phúc (ở xã Ea Mdroh, huyện Cư Mgar) đã xây dựng được kênh tiêu thụ ổn định.
Thịt gà đen Đại Phúc đã trở thành thương hiệu được biết đến trong huyện. Và mới đây, sản phẩm được biết đến ở Đăk Lăk, khi tỉnh công nhận đây là sản phẩm OCOP 3 sao.
Hiện tại, trên diện tích 3ha, ông Đức đang xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen bằng thảo dược, làm vườn ao chuồng kết hợp du lịch sinh thái nông nghiệp. Mỗi năm mô hình này cho lợi nhuận hơn nửa tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương.
Ông Lưu Văn Đức cho biết: Ông bắt tay thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu gà đen H’mông và đưa gà đạt tiêu chuẩn đến người tiêu dùng từ năm 2008. Quy mô hợp tác xã hiện tại mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 2.000 con, mỗi con khoảng 1,4kg, tiêu thụ chủ yếu ở các nhà hàng, quán ăn.
Là đơn vị sản xuất nấm quy mô lớn, Hợp tác xã nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana (ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) hiện có 26 thành viên chính thức và 60 thành viên tham gia liên kết.
Với quy mô khoảng 20.000m2, hằng năm hợp tác xã cung ứng ra thị trường 200 tấn nấm các loại, đem lại doanh thu 2,5 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động, với nguồn thu nhập khá từ nghề trồng nấm.
Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, tận dụng những lợi thế về khí hậu và nguồn nguyên liệu sản xuất nấm dồi dào, để từng bước tạo dựng được thương hiệu nấm Krông Ana, Hợp tác xã đã đưa ra quy trình sản xuất an toàn từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào và các bước sản xuất.
Bà Danh cũng là người đi đầu trong việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn và tích cực chia sẻ với các thành viên tham gia liên kết. Sau thời gian kiên trì xây dựng thương hiệu, đến nay các sản phẩm của Hợp tác xã đã được nhiều người tin tưởng, lựa chọn.
Bà Đinh Thị Danh, HTX nấm linh chi và DVNN Krông Ana đang giới thiệu sản phẩm của HTX - Ảnh: VOV
Hợp tác xã hiện nay đang tập trung phát triển nấm linh chi và các loại nấm dược liệu. Các thành viên liên kết thì làm nấm đại trà, nấm phổ thông. Hiện nay các mặt hàng của HTX đã cung cấp trên thị trường và vào các siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart. Ví dụ như nấm Hầu thủ và Trà Tân thì không đủ cung cấp cho thị trường.
Còn với ông Phan Đình Xuân, ở thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, dù đã gần 70 tuổi, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm ông đã nỗ lực vận động bà con nông dân thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất xuất nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường.
Năm 2007, ông đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hợp Nhất với mục tiêu liên kết những người làm nông nghiệp sạch, mở rộng thị trường để đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch như cà phê, hồ tiêu, măng tây, cam, quýt, gạo tím thảo dược… đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Đảm nhận vai trò Giám đốc Hợp tác xã, ông Phan Đình Xuân còn học hỏi và chế biến thành công sản phẩm trà thảo mộc từ các loại cây dược liệu như chùm ngây, đinh lăng, khổ qua.
Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, cung ứng vật tư nông nghiệp, Hợp tác xã còn tạo điều kiện cho các thành viên tham quan các mô hình trồng rau an toàn trong và ngoài tỉnh cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Ông Phan Đình Xuân cho biết: điều quan trọng nhất là phải làm cho người sản xuất và người tiêu dùng hiểu rõ về sản phẩm sạch, an toàn thì họ mới thực sự chủ động tham gia, góp phần tạo nên vị thế của thương hiệu.
Ông Phan Đình Xuân giới thiệu sản phẩm trà thảo mộc với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe- Ảnh: VOV
Đi lên từ những kinh nghiệm của nông dân, tâm huyết với những sản phẩm tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nhân ở Đắk Lắk đang góp phần tạo nên những sản phẩm có chất lượng mang thương hiệu Đắk Lắk.
Những nỗ lực của họ đang khích lệ và truyền lửa cho nhiều người khác cùng tích cực tham gia để tạo ra những hàng hóa đảm bảo chất lượng, vừa làm giàu cho bản thân và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội./.
H Xíu/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận