Nông dân Sơn La thu tiền tỷ nhờ cây cam
Thứ năm, 00:00, 23/11/2017
VOV4.VN - Ông Hoàng Văn Chất đầu tư trồng cây cam lòng vàng. Giờ đây, vườn cam của ông ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đã cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Ông Hoàng Văn Chất từng là người đi đầu ở xã Chiềng Ban trong việc đưa cây mía, cây cà phê vào trồng trên diện tích lớn, với hy vọng làm giàu từ những loại cây này. Tuy nhiên, ông bị thất bại do thời tiết, sương muối khắc nghiệt. Không cam chịu, ông tiếp tục đầu tư trồng cây cam lòng vàng và lần này thành công đã tới. Vườn cam của ông đang vào vụ chín, quả lúc lỉu, nặng trĩu cành.

Năm 1987 sau khi xuất ngũ, ông về lập gia đình và sinh sống tại bản Củ 2. Hồi đó, toàn bộ khu đất quanh xã Chiềng Ban này đều là đất hoang, ông đã dùng tiền thanh toán "một cục" từ chế độ xuất ngũ bắt tay vào thuê máy móc, nhân công khai phá, cải tạo được khoảng 3 ha đất để làm vườn.

Ban đầu ông trồng mía, cây mía cho thu nhập cao, vì vậy, ông là người đầu tiên xây được căn nhà cấp 4 khang trang ở xã Chiềng Ban thời đó. Đến năm 1991, thấy cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông lại chuyển sang trồng loài cây công nghiệp này.

Mấy năm đầu, cây cà phê cho lãi rất lớn, nên ông đã bàn bạc với vợ con nhân rộng diện tích cà phê. Sau đó, ông vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để quyết đầu tư lớn cho việc trồng cà phê và mía... Tuy nhiên, những năm 1994, vườn mía, cà phê của gia đình ông bị chết do sương muối, khiến ông lâm vào cảnh nợ nần. Sau thất bại đó, ông bắt đầu đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi thêm mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi ở các tỉnh như Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình...

Ông Chất "cơm nắm muối vừng" xuống Đại học Nông nghiệp Hà Nội "gõ cửa" xin tài liệu và xin cho đi xem các điểm làm giống cây trồng của nhà trường. Năm 2012, ông quyết định mua 200 giống cây cam lòng vàng (V2) tại Đại học Nông Nghiệp Hà Nội với giá 75.000đ/cây về trồng. Sau 3 năm, vườn cam của ông Chất cho thu hoạch hơn 6 tấn, bán lãi hơn 100 triệu đồng.

Năm 2015, sản lượng cam tăng lên, ông Chất thu hoạch được 13 tấn, thu  nhập đạt 500 triệu đồng. Ông dùng số tiền lãi mua thêm hơn 1.000 cây giống cây ăn quả, đặc biệt là cam, để mở rộng diện tích trồng loại cây này. Đến năm 2016, ông Chất trồng kín toàn bộ cam ở 4ha đất vườn với tổng cộng 4.000 cây.

Ông Chất cho biết: "Cây cam V2 và SV này thì không phải chỗ nào cũng trồng được đâu. Nói đúng thì cam là cây khó tính đấy, phải chăm chỉ, có vốn, đất, có nước. Không có kỹ thuật thì không được đâu".

Ông Chất tận dụng mảnh đất gần nhà chăn nuôi thêm gia cầm và lợn, vừa bán ra thị trường, vừa lấy phân chuồng để ủ, bón cho 4ha cam. Mỗi năm, từ chăn nuôi ông thu về 150 triệu đồng. Ông còn  phân phối giống cây cam cho các hộ trong vùng và nhiều địa phương khác của tỉnh Sơn La. Hiện tại, cây cam giống tại vườn ông có giá từ 150-170 nghìn đồng/cây, trồng sau 1 năm ra quả bói. Ông trực tiếp đến hướng dẫn quy trình chăm sóc, đến thời gian được thu hoạch, chết cây nào ông bù lại cây đấy.

Anh Phạm Văn Mạnh, ở xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho biết: "Bà con biết bác lâu rồi, nhiều nhà cũng đã lấy giống của nhà bác. Có mấy hộ được thu rồi, có hộ thì 4 tấn, hộ 1 tấn. Trên thị trường thì thấy cam được giá hơn ngô, sắn. Nên  tôi đến để học hỏi và nhờ bác tư vấn cho nên lấy giống gì để tới đây về trồng".

Ông Chất phấn khởi cho biết: Hiện vào vụ thu hoạch, các thương lái ở Hà Nội đã gọi điện đặt hàng và lên lấy trực tiếp. Cam lòng vàng V2 vỏ ngoài khi chín rất đỏ, lòng thì vàng ươm, rất thơm và ngọt nên được khách hàng ưa chuộng. Năm nay, giá bán đầu vụ tại vườn là 35.000 đồng/kg, dự tính ông thu hoạch hơn 30 tấn cam.

 

Cam lòng vàng V2 ruột vàng, quả ngọt, rất được khách hàng ưa chuộng

Cây cam là cây khó tính phải chăm bón đúng kỹ thuật

  Cây cam  đem lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân ở Chiềng Ban, Mai Sơn

 

 

 

 

Hồng Việt/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC