Cả nước xảy ra trên 2.700 vụ mua bán người
Thứ hai, 00:00, 31/07/2017
VOV4.VN - Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước xảy ra trên 2.700 vụ mua bán người, liên quan đến hơn 4.100 đối tượng, lừa bán gần 6.000 nạn nhân. Trong đó, có gần 450 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân, lừa bán hơn 1.100 nạn nhân.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống mua bán người qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài do Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ tổ chức vào chiều 28/7 tại Đồng Tháp đã phân tích thực trạng này.

Số liệu thống kê từ các bộ, ngành cho thấy tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi toàn quốc. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng, đẻ thuê v.v.. Trên 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu qua tuyến biên giới giữa Việt Nam với Campuchia, Lào và Trung Quốc (Trung Quốc chiếm 70%).

Lực lượng biên phòng bắt giữ một đối tượng buôn người sang biên giới 

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và 13 tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát hiện hơn 260 vụ, trong đó gần 150 vụ có dấu hiệu mua bán người dưới dạng môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức xem mặt chọn vợ, kết hôn giả với hơn 400 đối tượng tham gia, gần 1.300 nạn nhân.

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nhận định: “Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi. Khó khăn nhất hiện nay là truy bắt kẻ chủ mưu. Bởi qua các vụ việc đã triệt phá, đầu nậu thường trú ở nước ngoài, điều hành đường dây thông qua các trang mạng xã hội. Với rào cản từ yếu tố nước ngoài nên công tác điều tra, truy tố, xét xử phải mất thời gian khá dài”.

Trước tình hình này, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như: Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhất là quản lý cư trú người nước ngoài, xuất nhập cảnh, các ngành nghề hoạt động có điều kiện; tạo việc làm cho phụ nữ ở nông thôn; phối hợp với các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân v.v.. Trong đó, vấn đề cốt lõi vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, phổ biến thông tin về những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra khi lấy chồng nước ngoài.

 

 

 

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC