Nỗi lo mất rừng đi cùng nỗi lo mất cán bộ KỲ 2: Báo động nạn “ăn rừng”
Thứ năm, 11:43, 17/06/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Rừng Tây Nguyên bị phá bởi người dân, bởi doanh nghiệp và nay lại phát hiện rất nhiều cán bộ cũng đi phá rừng, chiếm đất, móc nối, tiếp tay cho lâm tặc.

 

Gần 100 ha rừng thuộc lâm phần Công ty TNHH Đỉnh Nghệ, xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông, sau hơn 10 năm được giao, nay đã bị xóa sổ. Còn lại ở dự án này là những tranh chấp không có hồi kết giữa người dân địa phương từng mua bán đất rừng với doanh nghiệp.

Một người dân trong vùng dự án kể lại nỗi khổ của mình vì mua đất rồi tranh chấp với doanh nghiệp: Những khu đất Công ty sợ không giữ được thì bán lại. Gia đình tôi có mua lại từ Công ty Đỉnh Nghệ từ năm 2013 đến nay. Đến 2015 thì công ty cũ đã sang nhượng lại cho ông Khanh, giám đốc mới. Từ năm 2015 đến giờ, đã xảy ra tranh chấp rất nhiều giữa ông Khanh với những hộ mua đất như tôi.

Một dự án "ăn rừng" ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Dự án của Công ty Đỉnh Nghệ chỉ là một trong số hàng chục dự án “ăn rừng” ở tỉnh Đắk Nông và là một trong số cả trăm dự án tương tự ở Tây Nguyên. Nhưng không chỉ người dân, doanh nghiệp “ăn rừng”, một bộ phận không nhỏ cán bộ cũng đi phá rừng, lấn chiếm và buôn bán đất rừng trái phép.

Huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk là nơi đầu tiên ở Tây Nguyên tiến hành khảo sát, thống kê cán bộ, lãnh đạo, đảng viên tham gia lấn chiếm, sử dụng đất rừng. Kết quả công bố đầu năm 2018 cho thấy, dù chỉ mới một nửa số cán bộ, đảng viên của huyện kê khai, đã có hơn 1 nghìn 200 người đang chiếm dụng đất rừng, tổng diện tích hơn 2.000 héc ta.

Rừng tại các dự án ở Tây Nguyên bị tàn phá có hệ thống và xuyên suốt trong thời gian dài.

Tình trạng cán bộ, đảng viên tham gia lấn chiếm, buôn bán đất rừng ở Ea Súp ngày càng phức tạp. Giờ đây, việc phá rừng, lấn chiếm, buôn bán đất rừng còn có dấu hiệu có tổ chức, có hệ thống, có những đầu nậu thu gom số lượng lớn đất rừng để buôn bán, lừa đảo người dân thiếu hiểu biết.

Tình trạng này không chỉ ở huyện Ea Súp và tỉnh đang chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra, xử lý.

Huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk là nơi đầu tiên ở Tây Nguyên thống kê cán bộ, đảng viên tham gia lấn chiếm, sử dụng đất rừng.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Có yếu tố đầu nậu, xã hội đen và cả cán bộ của chúng ta ở trong đó, xúi dục dân vào khu vực này, khu vực kia canh tác, lấn chiếm đất của các nông lâm trường. Rất nhiều người dân bị lừa về việc này. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an xem xét, nghiên cứu có phương án xử lý dứt điểm các đối tượng này.

Tại huyện Krông Bông, điểm nóng nhất về tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép của tỉnh Đắk Lắk từ đầu năm 2020 đến nay cũng đã có những biểu hiện tiêu cực, tiếp tay cho lâm tặc từ chính đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc, lập chuyên án, đồng thời giám sát hoạt động của các chủ rừng và cơ quan chức năng.

Ông Lê Văn Long- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian qua, những vụ việc xảy ra chủ yếu liên đến lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Chúng tôi đã chỉ đạo Công an huyện thành lập chuyên án riêng, tác chiến độc lập. Ngoài tuần tra chung, kiểm soát chung, thì lực lượng Công an có trách nhiệm điều tra, thâm nhập địa bàn, mật phục để xác định những đầu nậu buôn lậu gỗ, xử lý những vụ phát sinh, kể cả giám sát các lực lượng chức năng khác xem có tiếp tay cho lâm tặc hay không.

Chưa dừng lại ở “ăn gỗ”, “ăn đất rừng”, giờ đây, tại một số tỉnh Tây Nguyên còn phát hiện cán bộ “ăn tiền” quản lý, bảo vệ rừng. Điển hình, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 12 đơn vị, tổ chức kê khống hơn 12.600 héc ta rừng để nhận tiền dịch vụ môi trường rừng chênh lệch gần 3 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2016; có 14 tổ chức, đơn vị khai khống diện tích trồng rừng thay thế để được thanh toán “thêm” số tiền lên đến hơn 10,5 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2018.

Tại tỉnh Gia Lai, Thanh tra tỉnh cũng phát hiện hàng loạt dấu hiệu tham nhũng tiền quản lý, bảo vệ rừng. Điển hình là vụ việc sai phạm lên tới hơn 12 tỷ đồng, có dấu hiệu tham nhũng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai.

Theo Thanh tra tỉnh Gia Lai: sai phạm có dấu hiệu tham nhũng chủ yếu là từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Cùng với sự buông lỏng quản lý của ngành chủ quản thì các quy định về quản lý thu chi chưa chặt chẽ đã tạo điều kiện cho các chủ rừng dễ dàng tham nhũng:.

Bà Trần Thùy Thanh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết: Tiền dịch môi trường không phải là ít. Nhiều Ban quản lý được chi tiền này rất nhiều nhưng quy định về chi lại không rõ ràng. Tiền này đơn vị có thể dùng để giao khoán bảo vệ rừng hoặc có thể sử dụng để cho hoạt động của đơn vị. Trong quá trình thanh tra chúng tôi thấy nhiều Ban quản lý chi tiền này vô tội vạ. Cái này không quy định rõ sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng phát sinh.

Cán bộ lấn chiếm đất rừng rồi hợp thức hóa, hay chủ rừng khai khống diện tích rừng, diện tích trồng rừng, khai khống các hạng mục để rút ruột tiền quản lý, bảo vệ rừng, tựu chung lại là những hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Dù là tiền hay đất thì đó đều là tham nhũng, bởi đó là những giá trị vật chất cụ thể, có thể định lượng, được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.

Với số lượng thanh tra chưa nhiều, số vụ phát hiện thời gian qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những đây là điều cực kỳ tệ hại, bởi nguồn lực dành cho quản lý, bảo vệ rừng vốn đã ít ỏi, luôn trong tình trạng thiếu thốn mà còn bị xà xẻo, tham nhũng thì hiệu quả bảo vệ rừng ngày càng đi xuống./.

 

Kỳ cuối “Điều tra, xử lý sai phạm, tham nhũng rừng: Khó và vướng ở đâu?”

 

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC