Chồng mất chưa lâu, người con trai duy nhất cũng vừa bỏ mạng nơi xứ người. Nước mắt bà Trần Thị Chinh, ở xã Tuy Lộc, TP.Yên Bái như đã cạn khô. Ân hận, day dứt, giờ bà chỉ mong thời gian có thể quay trở lại để bà kiên quyết ngăn cản không cho con mình xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động.
"Nó đi làm thì bảo xa lắm, đi về tốn kém nên con đi đến tết mới về một lần, chứ nếu đi lại nhiều thì không đủ tiền. Từ hồi nó đi thì cũng chưa có gửi được đồng nào về nhà cả. Thế rồi đùng một cái bên kia gọi điện báo về là nó chết rồi, không về được nữa" - bà ngậm ngùi.
Công an tăng cường phổ biến pháp luật đến người dân vùng cao
Nỗi đau cũng vừa ập đến với gia đình bà Nguyễn Thị Dụng ở phường Minh Tân, TP.Yên Bái. Chỉ vì xuất cảnh trái phép nên khi bệnh tật không được cấp cứu kịp thời mà con trai bà đã phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.
"Tối, thấy nó kêu đau ngực, vợ nó mới gọi mấy người ở cùng, toàn là người Việt Nam thôi. Mọi người chạy sang thì đưa đi viện, đến viện thì đã chết rồi. Giờ vẫn không làm được giấy bảo tử vì mình đi lao động sai, không phép, không biết chết như thế nào nên chính quyền không cấp giấy báo tử" - bà Dụng kể.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục trường hợp chết hoặc mất tích khi xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong vòng vài năm trở lại đây. Đa phần họ đều vượt biên trái phép sang lao động tại Trung Quốc, do vậy ngoài việc vi phạm pháp luật của nước sở tại, thì họ còn bị các chủ sử dụng lao động từ chối thanh toán các khoản hỗ trợ khi có tai nạn rủi ro xảy ra.
Trong năm 2017, các lực lượng chức năng ở Yên Bái đã phát hiện hơn 220 vụ xuất cảnh trái phép; những tháng đầu năm 2018 là hơn 60 vụ. Hầu hết những người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động đều nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, cũng biết trước sẽ phải chịu nhiều hệ lụy, rủi ro, nhưng vì cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên họ vẫn chấp nhận đánh cược với số phận.
Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận