Bánh dày- lễ vật trong đám cưới người Tày
Thứ ba, 15:05, 14/12/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
LTS -Trong phong tục cưới hỏi của người Tày Cao Bằng có nhiều nét độc đáo, đến nay một số nghi thức còn được lưu giữ song đã có sự cải biên cho phù hợp với đời sống hiện đại mà vẫn giữ được ý nghĩa tốt đẹp của nó, trong đó có nghi thức gia đình chú rể đưa lễ vật bánh dày sang nhà gái để làm quà cho anh em, họ hàng thân thích.

 

 

Những chiếc bánh dày được gia đình chú rể tự làm để mang sang nhà cô dâu

Người Tày Cao Bằng, nhất là người Tày ở các huyện miền Đông như Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang từ xưa đã có tục lệ nhà chú rể đưa lễ vật bánh dày cho gia đình cô dâu.

Thông thường, lễ vật nhà trai đưa sang nhà gái được thống nhất từ lễ ăn hỏi, ngoài một khoản tiền để nhà gái mua sắm chăn màn, một số đồ dùng gia đình cho đôi vợ chồng trẻ và một số quà tặng, nhà trai sẽ hỏi nhà gái lấy thêm bao nhiêu chiếc bánh dày để nhà trai chuẩn bị trước, căn cứ vào số lượng anh em, họ hàng thân thích, nhà gái sẽ đưa ra con số cụ thể, thường là 200 - 300 chiếc bánh cỡ nhỏ (to bằng chiếc đĩa cỡ trung bình) và một cặp bánh to cỡ gần bằng chiếc sàng, gọi là péng me (bánh mẹ).

Lễ vật và số tiền nhà gái đưa ra không phải là sự mặc cả giữa đôi bên mà đây chỉ là biểu thị cho tục lệ vốn có. Vì vậy, những con số đưa ra có sự cân nhắc tế nhị dựa trên điều kiện kinh tế của nhà trai, do đó đều được hai bên vui vẻ thống nhất.

Khoảng 2 - 3 ngày trước ngày cưới, tại nhà chú rể không khí chuẩn bị lễ cưới diễn ra rất rôm rả, nhất là đối với những gia đình có điều kiện. Nhà trai sẽ nhờ những người phụ nữ trong dòng họ, những người trong làng đến giã bánh dày. Ai cũng vui vẻ đến giúp gia đình vì đây là dịp để mọi người trong họ, trong làng bày tỏ niềm vui, chúc phúc cho con cháu.

Ảnh minh họa

Gạo được chọn để làm bánh là gạo nếp loại ngon, sau khi đồ chín, xôi được cho vào những chiếc cối bằng gỗ chuyên dùng để giã bánh. Những người phụ nữ chia thành từng cặp hoặc ba người cùng giã bánh.

Những chiếc bánh loại nhỏ có nhân là vừng đen giã mịn trộn với đường mật hoặc nhân đỗ xanh; cặp “péng me” không có nhân nhưng người ta lấy quả mồng tơi chín đem nghiền ra để dùng làm mực nhuộm một mặt có màu đỏ tím, mặt còn lại viết lên chữ “phúc” hoặc chữ “hỷ”. Trước ngày cưới một ngày, nhà trai sẽ cho người mang bánh sang nhà gái.

Đối với gia đình cô dâu, khách đến đám cưới là họ hàng thân thích, khi ra về sẽ được nhận quà là một cặp bánh nhỏ và một miếng bánh dày được cắt ra từ cặp “péng me” có hình tam giác to hơn bàn tay. Tuy về giá trị vật chất không lớn nhưng món quà  thể hiện sự trân trọng của gia đình cô dâu đối với người đến dự đám cưới, vì vậy người được nhận bánh cũng rất vui và trân trọng món quà này.


Ảnh minh họa

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, một thời gian, ở một số vùng nhiều người cho rằng đời sống đã thay đổi, của ngon vật lạ có sẵn ngoài chợ nên việc “đòi hỏi” bánh dày là không cần thiết và gây phiền phức, nên họ chọn món quà khác để thay thế bánh dày.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với xu hướng tìm về những giá trị truyền thống của dân tộc như trang phục, ẩm thực, nhiều gia đình cũng quay trở lại với tục lệ đưa lễ vật và quà cho khách trong lễ cưới là bánh dày. Tùy điều kiện, thời gian của nhà trai, số lượng bánh có thể chỉ vài chục chiếc tượng trưng chứ không nhất thiết đến 200 - 300 chiếc nhưng vẫn phải có cặp “péng me”.

Mặc dù cuộc sống có phát triển đi lên song tục lệ mang lễ vật bánh dày sang nhà cô dâu trong phong tục cưới hỏi vẫn được duy trì và có sự cải biên cho phù hợp, đó là nét đẹp văn hóa đáng quý của người Tày Cao Bằng.     

 

                                                                Theo Cao Bằng oline

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC