Người Chăm Islam ở An Giang, sau khi dựng ngôi nhà mới, gia chủ sẽ chọn một ngày thuận tiện cho gia đình, mời đại diện ban giáo cả và bà con trong ấp đến chia vui. Người Chăm Islam tuân thủ nghiêm ngặt giáo luật, mỗi ngày hành lễ 5 lần. Lễ mừng nhà mới của bà con thường bắt đầu vào khoảng 1-2 giờ chiều, sau khi những người đàn ông đã hành lễ ở thánh đường.
Đúng giờ, các nam phụ lão thanh niên cùng đến chia vui với gia chủ. Theo luật đạo của người Chăm, phụ nữ không cần phải đến thành đường cầu nguyện, vì vậy họ đã có mặt từ sớm để giúp gia chủ nấu nướng và trang trí nhà cửa.
Phụ nữ Chăm đi mừng tân gia. Ảnh: Hoàng Minh
Bên cạnh cột cái ở gian ngoài cùng, gia chủ bày ra một bếp lò, một hũ gạo, một hũ muối, một lu nước với ý nghĩa gia đình luôn đầy đủ, sung túc. Đến mừng tân gia, bà con thường đem theo sữa, trứng vịt, bột, đường hay những vật dụng trong nhà để làm quà mừng cho gia chủ.
Gia chủ nhận lễ vật và sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người. Nam thì ngồi ở gian nhà trước, phụ nữ ngồi gian nhà sau. Theo phong tục của người Chăm Islam, nam nữ không được ngồi chung một chiếc chiếu, trừ khi đó là vợ chồng. Trong mọi lễ hội của người Chăm Islam đều không thể thiếu sự hiện diện của Ban giáo cả, đứng đầu là Ha-kim (giáo cả), Na-ep (phó giáo cả) và các thầy giảng đạo - I mầm.
Khi mọi người đã ổn định, tất cả bà con cùng đại diện ban giáo cả đứng lên đọc 5 lần câu chú Salawat Na Bi Mohamach ca tụng Alah và nhà tiên tri Mohamet đã ban hồng phúc cho gia chủ có được ngôi nhà mới và ban cho tất cả dân làng được hạnh phúc.
Tái hiện Lễ lên nhà mới của người Chăm Islam An Giang tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh
Đọc xong câu chú, mọi người lại ngồi xuống cùng đọc kinh cầu nguyện. Theo anh Huỳnh Hồ Thanh Duy – cán bộ trung tâm văn hóa huyện An Phú, ý nghĩa bài kinh cầu nhằm mục đích xin Alah ban cho gia chủ được nhiều hồng phước, làm ăn phát đạt; Cầu xin Alah ban hồng phước đến cho tất cả mọi người trong gia đình.
Hoàn tất các lễ nghi, đại diện Ban giáo cả mời mọi người cùng dùng tiệc với gia chủ. Tiếng trống Paranưng cùng lời ca của những người đàn ông vang lên như những lời tạ ơn và cầu xin chúa trời ban hồng ân cho gia chủ.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận