Nghi thức vòng đời của người Chăm Ninh Thuận
Thứ hai, 00:00, 20/11/2017 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Nghi lễ vòng đời của người Chăm ở Ninh Thuận cũng giống các dân tộc khác về mặt tiến trình, đều trải qua quá trình sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng có một điều đặc biệt, hình thức cúng tế trong các nghi thức mang những nét văn hóa đặc trưng được thể hiện ngay từ khi mang thai đến khi nhập Kut.

 

Quan niệm về vòng đời của người Chăm

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Quảng Văn Đại, ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, trong vòng đời người Chăm có hàng trăm phong tục và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Song tất cả đều xoay quanh vũ trụ và con người. Từ những vật dụng sinh hoạt, lao động sản xuất cho đến các nhạc cụ dân gian đều xuất hiện bóng dáng, hình tượng con người ẩn chứa trong đó.

"Với người Chăm Ninh Thuận, trong chu trình đời người thì thời điểm nào cũng quan trọng và đều có những nghi lễ liên quan. Khi nam nữ lấy nhau thì điều quan trọng nhất đối với họ chính là những đứa trẻ, họ coi đó là sản phẩm của tạo hóa, của vũ trụ" - ông Đại cho biết.

 

Chức sắc Chăm mặc y trang cho thần linh trong các nghi thức dân gian. Ảnh: VP

Nếu gia đình người Chăm có con và đặc biệt là con gái thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Bởi họ đã có người nối dõi, sẽ có người chăm lo cúng giỗ tổ tiên. Nên ngay từ khi có thai, người phụ nữ Chăm phải kiêng cữ nhiều thứ, ví dụ không ăn trái đu đủ vì sợ mai kia đứa trẻ cũng có khuôn mặt giống trái đu đủ; hay không dùng bát đĩa để ăn cơm, tránh ngồi ở cửa ra vào bởi sợ ma quỷ dọa nạt.

Đến thời điểm sinh nở, không ai được phép tới gần, trừ bà mẹ và bà mụ. Bà mụ sẽ đỡ đẻ và cắt rốn cho đứa trẻ bằng thanh tre. Theo quan niệm của người Chăm, nhau của đứa trẻ được chôn ngay trong khuôn viên gia đình và khi đi chôn nhau kiêng không nói chuyện và bí mật để tránh tà ma.

Khi đã cúng mụ cho đứa trẻ thì việc đặt tên cũng rất quan trọng. Theo ông Trường Tín, Phó giám đốc Bảo tàng Ninh Thuận, thì tên đứa trẻ thường gắn liền với những vật dụng có trong lao động, trong sinh hoạt, thậm chí là tên xấu với quan niệm để thần linh khỏi quở trách và cũng là giữ sức khỏe cho đứa trẻ.

Đến ngày đầy tháng, người Chăm cúng đơn giản, chỉ có xôi và chuối. Lúc này, bà múa tộc họ (trưởng họ) sẽ cúng cho đứa trẻ, cầu mong cho đứa trẻ sức khỏe và tránh được tà ma. Lễ này diễn ra trong vòng nửa ngày dưới sự chứng kiến của gia đình đứa trẻ. 

Kút - hình  tượng thờ đá của người Chăm. Ảnh: VP

Tín ngưỡng trong tang ma người Chăm

Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Quảng Văn Đại cho biết, trong đám tang người Chăm, có sự phân biệt rất rõ giữa tầng lớp tu sỹ, thượng lưu và cuối cùng là người nghèo. Họ cũng có quan niệm về cái chết bình thường và cái chết xấu. Nếu đám ma người chết bình thường do ốm đau, tuổi già, diễn ra một cách bình thường thì đam ma người chết xấu như chết đường chết chợ phải làm lễ tống đuổi tà ma để họ không quấy rầy gia đình, họ tộc

Người Chăm có những luật tục như người chết dưới 15 tuổi thì không được thiêu và nếu chết xấu thì phải thiêu khô. Còn bình thường, người chết sẽ được chôn, khi bốc mộ mới đem hài cốt đi thiêu.

Trước khi thiêu, thầy cúng sẽ hát gọi máu về. Vì người Chăm quan niệm khi còn sống, người chết đi chặt cây, chặt củi bị chảy máu, máu đọng lại trên lá cây, trên nước, trên mặt đất thì sẽ gọi máu đó về với cơ thể người chết, để linh hồn người chết được hoàn chỉnh.

Khi thiêu xong, người Chăm sẽ lấy 9 miếng xương của người chết mang về cúng giỗ hàng năm, chăm sóc nuôi nấng để mong hồn cốt ấy sẽ đầu thai làm người.

Sau khoảng thời gian một tháng thì người Chăm sẽ làm lễ nhập Kut. Kút có thể hiểu như một nghĩa trang. Nhưng đặc biệt phải chờ đủ 5-10 người chết mới cho nhập. Người Chăm thường chia Kut thành hai loại: Kut người chết xấu và kut người chết bình thường. Khi nhập Kut cũng là hết một chu trình vòng đời.

 

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC