Người Dao cúng rằm tháng 7, quan trọng nhất là bánh chưng
Thứ tư, 00:00, 13/09/2017 Hoàng Minh 2 ảnh Hoàng Minh 2 ảnh
VOV4 - Lễ Rằm tháng Bảy, bà con dân tộc Dao ở Ba Vì thường lấy ngày 14 là ngày chính rằm, vì thế mà bắt đầu từ đầu tháng, người Dao đã bắt đầu ăn tết rằm tháng 7 và sẽ không ăn quá ngày 14 âm lịch.

 

Đây là dịp để con cháu người Dao tụ họp đông đủ, cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng tưởng nhớ tổ tiên, các vị thần linh đã che chở cho con cháu trong suốt cả năm. Anh Triệu Quý Tiến, ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, cho biêt: "Người Dao quy định cúng trước ngày 14 để tổ tiên có thể về nhận lễ, ngày 15 thì các vị trở về nơi các vị ngự để làm rằm tháng 7". 

Cỗ Rằm tháng Bảy của người Dao, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị 5-7 mâm cỗ để mời anh em bạn bè đến cùng ăn tết. Tết Rằm tháng 7 là một trong 3 tết lớn nhất của người Dao bên cạnh tết Thanh Minh và Tết Tạ ơn.

Mâm lễ cúng rằm của người Dao ở xã Ba Vì. Ảnh: Hoàng Minh

Ông Lý Văn Huyện, ở thôn Yên Sơn, cho biết, bà con tin vào sự tồn tại của cõi thiêng – nơi các linh hồn của tổ tiên, thần linh đang dõi theo con cháu dưới trần. Vì vậy, người Dao có tục thờ cúng tổ tiên và thần linh để tỏ lòng biết ơn. Trong dịp này, gia đình người Dao nào cũng đi nhờ thầy cúng về làm nghi lễ khấn cầu.

Sau khi đã hoàn tất thủ tục trong nhà, mọi thành viên sẽ tề tựu dưới mái nhà thờ họ. Tất cả ngồi quây quanh ban thờ và mâm lễ để thể hiện lòng thành. Trưởng họ và hai thầy phụ lễ sẽ đứng ra làm lễ cho cả họ.

Theo anh Triệu Quý Tiến, lễ vật cúng ở nhà thờ họ sẽ được cả làng chung tay chuẩn bị. Mức đóng góp là tùy tâm. Ai có gà góp gà, ai có gạo góp gạo hoặc rượu, tiền mặt. Những gia đình khó khăn nếu không thể đóng góp thì cũng không sao.

Thầy cúng Lý Văn Huyện ở xã Ba Vì thực hiện nghi thức cúng Rằm tháng 7. Ảnh: Hoàng Minh

Lễ vật trong lễ cúng gồm một con heo, 3 con gà, rượu, nước, nhang và đặc biệt không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng của người Dao được gói theo hình trụ đứng như bánh Tét của đồng bào Nam Bộ. Theo truyền thống xưa, nhân bánh không có đỗ mà chỉ có thịt mỡ tẩm gừng.

"Vì bà con có tập quán canh tác lúa nương là chính. Nếp nương rất quan trọng nên những dịp lễ lớn là không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng này, sau lễ cúng, mọi người sẽ đem về thọ lễ. Quan trọng nhất là phần lá là phải trưng bày ra để trình báo với tổ tiên, để ở vị trí rất trang trọng, hoặc để ở bếp nấu ăn nhưng để lên cao, hoặc cạnh bàn thờ" - anh Tiến nói.

Sau khi trưởng họ và các thầy cúng làm xong các thủ tục trình báo thần linh, tổ tiên, mời rượu, mời cơm và đốt vàng mã để thần linh cùng tổ tiên làm lộ phí, nghi thức kết thúc. Tất cả bà con trong thôn kéo ra phần sân trước nhà thờ họ. Nam thanh nữ tú hòa nhịp múa chuông, múa rùa, là những điệu múa nghi thức tưởng nhớ Bàn Vương và cùng hát ca.


 

 

 

Hoàng Minh/VOV4 

Hoàng Minh 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC