Người Dao Quần chẹt thách cưới tương đương 3 con trâu
Thứ năm, 00:00, 27/07/2017 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài
VOV4.VN – Ngày xưa, muốn lấy một cô dâu người Dao Quần Chẹt, chú rể phải tặng nhà gái ít nhất 3 nén bạc trắng, tương đương bằng 3 con trâu to.

Nhà trai mang bạc, mang người sang “hầu” nhà gái


Ông Lý Sinh Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì (Ba Vì, Hà Nội) dẫn chứng từ câu chuyện của mình, cha ông ngày xưa đi hỏi cưới mẹ ông phải có 3 nén bạc trắng. Ngoài ra còn có rượu, gạo… 

Nhà trai phải cho người sang nhà gái đỡ đần công việc tổ chức đám cưới: “Ngày xưa, nặng như thế rồi, tiền như thế, gà như thế, nhưng mà vẫn phải cho người sang làm hầu. Tức là phải làm lễ, rồi dọn dẹp, làm cỗ cho nhà gái ăn”.


Một cảnh trong đám cưới người Dao. Nguồn: laodong.com.vn

Ông Vượng bảo, vì thách cưới lớn như vậy nên nhiều người đàn ông Dao Quần Chẹt phải lấy người ngoại tộc. Nhưng bây giờ thách cưới đã giảm nhẹ rất nhiều. “Ví dụ, nhà gái người ta chỉ thách cưới nhà trai cho tôi 5 triệu, 6 triệu. Bây giờ nhà trai lo nhà trai, nhà gái lo nhà gái, rất đơn giản, không phải sang hầu như ngày xưa nữa” -  ông Vượng nói.


Ở rể đời mất họ 


Thách cưới đắt đỏ, để lấy được vợ, ngoài lấy người ngoại tộc, nhiều chàng trai người Dao Quần Chẹt bắt buộc phải ở rể. Có người phải ở rể cả đời, phải đổi họ theo vợ. 

Ông Triệu Sinh Đức, ở xã Ba Vì, kể, ông phải đi ở rể 5 năm vì gia đình nhà gái neo người. Sinh con, kinh tế ổn định, ông xin bố mẹ vợ cho về. Nhiều người đi ở rể, vì không có điều kiện nên nhập họ luôn bên vợ.

“Nghèo quá, mãi không có tiền đem về thì phải làm họ bên đấy. Mình phải nhập họ nhà vợ” - ông Lý Sinh Vượng cho biết. Khi chấp nhận ở rể đời, đổi họ, mọi lễ vật đám cưới nhà gái phải lo.


Kiêng động phòng ngày cưới


Ông Lý Sinh Vượng cho biết, đám cưới của người Dao Quần Chẹt cho đến nay còn bảo lưu rất nhiều nét đẹp nhân văn. Ví như, cô dâu ngày về nhà chồng phải thể hiện lòng hiếu thảo của mình bằng cách nấu cho nhà chồng một nồi cơm. Sáng hôm sau phải dậy sớm đun nước cho bố mẹ chồng và các em rửa mặt.

Lòng hiếu của đôi vợ chồng trẻ còn được thể hiện ở tục họ kiêng động phòng sau ngày cưới. “Kiêng không được ngủ với chồng là kiêng một đêm cho bố, kiêng một đêm thứ hai là kiêng cho mẹ chồng, nếu có bác là kiêng đủ. Cái đó nó thể hiện mình kính trên. Phải kiêng cho bố, kiêng cho mẹ chồng, sau là các bác. Trong nhà có bao nhiêu các bác, các chú phải kiêng hết. Sau đó mới đến đêm tân hôn. Có như vậy mới tôn trọng bố mẹ, gia đình” – ông vượng cười.

Theo ông Vượng, việc kiêng động phòng ngày cưới bây giờ không còn nữa. Nhưng thời ông, đó là một điều vô cùng thiêng liêng.



 

Lâm Thanh/VOV4


Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC