Tục cưới hỏi của người Dao đỏ ở Na Hang
Thứ năm, 00:00, 11/01/2018 Hải Huyền bt bài Hải Huyền bt bài
VOV4.VN - ​Trai gái người Dao đỏ ở Na Hang đến tuổi cập kê có quyền tự do yêu đương, tìm hiểu. Ngày xưa những câu hát giao duyên là phương tiện để con trai, con gái Dao đỏ tìm người thương. Lời hát ví von, so sánh với những câu từ đầy hình ảnh được ứng tác, nhanh chóng chiếm trọn cảm tình của đối phương.

 

Người ta có thể hát giao duyên bên đường hay giữa buổi chợ, hoặc trong những ngày hội vui của bản, mến nhau từ ánh mắt, rồi ngọt tai từng lời ca. Thế là thành đôi lứa. Đấy là họ quen nhau trong những cuộc vui.

Đám cưới của người Dao đỏ ở Tuyên Quang. Ảnh: Infornet

Chị Triệu Thị Nhất, ở Na Hang, Tuyên Quang, cho biết, người Dao đỏ ở quê chị còn có tục gọi bạn làm quen. Đại ý, nếu một chàng trai đến làng khác chơi. Biết tin, con gái làng đó sẽ hẹn nhau từng tốp kéo đến nhà trò chuyện. Qua hỏi han, giao tiếp, người ta cũng có thể ưng nhau rồi làm bạn với nhau.

"Nếu mà biết hôm nay có một thanh niên chưa vợ đến làng chơi, con gái sẽ hẹn hò nhau thông báo với nhà chủ mình sẽ đến, hoặc nhà chủ đấy họ sẽ đi thông báo có trai làng khác đến chơi. Chủ nhà để sẵn cửa cho mình rồi, mình vào đánh thức người ta dậy thôi. Đối tượng đấy đã nhằm vào đối tượng nào rồi thì chỉ đi cùng họ, còn nếu không, ngồi vào bếp cùng nói chuyện. Cô này, anh này ưng nhau thì những người kia tự rút về".

Nhưng chị Nhất bảo, không phải cứ gọi là được. Có người kiêu, tốp bạn phải phải đứng ngoài cửa hát vọng vào thuyết phục. Nếu thuận tai, vừa ý, họ sẽ dậy trò chuyện, tâm sự: "Gọi bài bản lắm. Ví dụ, “anh ơi dậy đi chứ đừng ngủ lâu. Ngủ lâu mặt sẽ bẹt như cái đũa cả mình dùng để xới cơm đấy”. Có người kiêu trùm chăn không cho gọi. Người ta còn phải lật chăn lên. Ngày xưa còn hát đối đáp. Người ta phục thì người ta mới dậy". 

Khi đã cảm mến nhau, đôi trẻ về thông báo với cha mẹ. Người lớn nói chuyện, nếu đáp ứng được lễ vật thách cưới thì có thể tiến tới hôn nhân. Lễ gồm 60 – 120 đồng bạc trắng, lại thêm rượu, lợn, gà, gạo để khao làng. Nhiều gia đình không lo nổi thách cưới phải đi ở rể nhà gái, khi nào kinh tế khá giả mới làm đám cưới.

"Thách cưới phải 60 – 120 đồng bạc, đâu phải nhà nào cũng có. Mà ở rể thường thường là những người không có điều kiện, hoặc nhà nhiều con trai, hoặc nhà kia không có con trai. Cứ ở như thế khi nào con trai, con gái lớn, thậm chí đi lấy vợ, lấy chồng, mới tổ chức đám cưới cũng được. Người ta chỉ cúng nhập tổ tiên nhỏ nhỏ thôi. Có những nhà không có điều kiện, có thể ở rể vài năm, sau đấy cưới cũng được. Thậm chí, có những người con lớn rồi người ta mới cưới" - chị Nhất bảo.

Tuy nhiên, chỉ khi có sự đồng ý của hai bên gia đình thì chàng trai mới được sang nhà gái ở rể. Còn trong thời gian tìm hiểu mà cô gái đã có thai, cả hai sẽ bị làng phạt vạ. Nhẹ thì con lợn, con gà để làng rửa tội. Nặng thì đuổi ra khỏi làng. 

 

 

 

 

Thu Cúc/VOV4


Hải Huyền bt bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC