Làng Chăm, khói trắng từ các lò gốm bốc lên, phảng phất hương rơm mới quen thuộc. Từ sáng sớm, bà con làng gốm đã bắt tay vào việc làm phôi và chuẩn bị cho ra lò các mẻ gốm mới.
Trước sảnh cửa hàng gốm mỹ nghệ Kiều Lan, thợ gốm đầy kinh nghiệm Sử Thị Phước nhẹ nhàng di chuyển quanh bàn chuốt gốm để tạo dáng một sản phẩm mới. Dưới các ngón tay uyển chuyển của chị Phước, khối đất sét màu trắng xám vô tri vô giác từ từ biến hình thành một chiếc vò nhỏ xinh xắn có đường cong mềm mại và cái miệng loe rất sinh động.
Chị Phước cho biết loại vò nhỏ này, trung bình mỗi ngày chị làm được khoảng 20 chiếc. Sản phẩmn này được dùng để gắn lên hòn non bộ trang trí. Vài năm nay, ngoài các sản phẩm gia dụng như bình, thạp, nồi, thì làng gốm Chăm tập trung vào sản xuất sản phẩm gốm phong thủy và gốm trang trí - đây là các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trên thị trường.
“Tết năm nào cũng chuẩn bị nhiều hàng để khi khách quan, khách thích cái nào thì chọn mua. Chúng tôi vừa xuất đi hơn 50 sản phẩm theo đơn đặt hàng. Thấy sản phẩm nào đẹp là khách mua à. Trong đó, bình phong thủy là bán chạy nhất, kế đến là bình trang trí hoa …” - chị Phước nói.
Đất sét làm gốm tại Bàu Trúc phải lấy tại bãi sông Quao, cách làng 3 km. Một xe bò đất này được bà con làng gốm mua với giá 200 ngàn đồng. Đất lấy về rồi phải trải qua một quá trình lọc, trộn cát và ngâm ủ cho nhuyễn. Vrộn cát để khi nung sản phẩm gốm không bị nứt vỡ. thợ gốm phải nhào nặn hỗn hợp đất và cát đó cho đến khi đất đủ độ kết dính để tạo hình. Như vậy cách làm gốm ở Bàu Trúc có nét độc đáo riêng, khác với cách làm gốm ở phía Bắc.
Về cách tạo hình sản phẩm, thợ làm gốm phía Bắc sử dụng bàn xoay, chỉ ngồi một chỗ dùng chân đẩy cho bàn xoay quay tròn, hai tay vuốt đất tạo dáng và chỉnh trang sản phẩm. Còn ở Bàu Trúc, thợ làm gốm lại di chuyển xung quanh bàn nặn gốm để nặn, vuốt và tạo dáng sản phẩm. Một điểm khác lớn nữa giữa gốm Bàu Trúc và gốm phía Bắc, đó là gốm Bàu Trúc không phủ men, trong khi gốm phía Bắc được nhúng một lớp men mỏng trước khi nung.
Theo bà Trương Thị Gạch, người thợ gốm Bàu Trúc làm sản phẩm giỏ hoa trang trí như sau: “Sau khi làm đoạn nắn xong, ta nhắc xuống để cho hơi khô ráo, sau đó nạo cho tròn và chà láng bóng. Xong công đoạn chà láng, ta tiếp tục vẽ trang trí hoa văn lên sản phẩm. Ngày xưa, các nghệ nhân sử dụng vỏ sò điệp để vẽ hoa văn, hiện nay không có điều kiện để tìm kiếm sỏ điệp, người ta lấy nắp chai nhựa C2 để tạo hoa văn cho sản phẩm gốm. Làm xong, phơi khô trong nhà khoảng 1 tuần thì lấy ra nung”.
Việc nung sản phẩm ở Bàu Trúc chủ yếu bằng rơm củi, lộ thiên. Nay cũng đã có nhiều người sử dụng lò nung. Sản phẩm gốm ở đây có hai màu chủ yếu: màu gạch non và màu đen. Màu gạch non là màu nung tự nhiên của sản phẩm, màu đen là do được sơn màu dầu điều (vỏ hạt điều được nấu thành nước). Trước kia, thợ gốm sử dụng trái cây rừng như trái dông, trái thị rừng quét lên lớp da trước khi nung để tạo màu. Màu nào cũng có nét hấp dẫn riêng.
Ngày càng có nhiều khách tham quan, khách hàng tìm đến làng gốm Bàu Trúc. Chị Vũ Kiều Oanh, khách du lịch Lao Cai đến, tự tay nặn một cái bình gốm theo hướng dẫn của nghệ nhân Trương Thị Gạch: “Xem thông tin ở trên mạng thì hứng thú. Tại vì cách làm gốm của họ khác với cách làm gốm ở ngoài Bắc mình”.
Khách hàng dập dìu lui tới đặt hàng, mua hàng. Ở trụ sở Hợp tác xã Gốm Bàu Trúc, hai vợ chồng nghệ nhân- Giám đốc Phú Hữu Minh Thuần và Đàn Thị Trang chỉ đạo công nhân bốc xếp lô hàng đèn trang trí bằng gốm cỡ lớn lên xe tải để chở đi Nha Trang. Chị Trang cho biết đây là một trong những lô hàng của hợp đồng giá trị hơn1 tỷ đồng ký kết với chủ nhân resort Bãi Dứa Nha Trang trong năm nay.
Anh Vạn Quan Phú Đoan, một thành viên của Hợp tác xã, giới thiệu với chúng tôi những chiếc lộc bình phong thủy xì dầu điều đen bóng cao tới 2, 5 m. Hợp tác xã đang khẩn trương hoàn thành 100 sản phẩm loại này để kịp giao cho chùa Linh Phước ở Đà Lạt trước tết. Năm nay, Hợp tác xã làm ăn khấm khá, trung bình mỗi tháng dư hơn 150 triệu đồng. Lương bình quân xã viên gốm của Hợp tác xã đạt hơn 5 triệu đồng/ tháng, chưa kể thưởng ngày tết.
Nghệ nhân Sử Thị Phước đang làm gốm
Gốm mỹ nghệ Bàu Trúc
Thợ gốm Bàu Trúc đang tạo dáng sản phẩm
Thiếu nữ- tượng nghệ thuật gốm Bàu Trúc
Bình gốm phong thủy cao 2,5 m
Khách du lịch trải nghiệm khâu nặn gốm
Đèn trang trí gốm Bàu Trúc
Hồng Hải /VOV-TP.HCM
Viết bình luận