Khi diễn tấu cồng chiêng trở thành sản phẩm du lịch
Thứ ba, 00:00, 25/07/2017
VOV4.VN - UBND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành chương trình diễn biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng tỉnh sẽ tổ chức 2 đêm biểu diễn cồng chiêng phục vụ công chúng và thu hút du khách. PV Đài TNVN thường trú Tây Nguyên trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kđăm:

Thưa bà, trong truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thì khi nào họ diễn tấu cồng chiêng?

Bà Linh Nga Niê kđăm: - Trong vòng đời của những người thực hành tín ngưỡng vạn vật đa thần có rất nhiều lễ cúng, và các lễ cúng ấy có khi chỉ là lễ nhưng có khi to hơn thì thành hội, nhưng dù là lễ hay hội thì vẫn phải gắn với tiếng chiêng. Bởi vì chiêng là phương tiện để mà thông báo, giao lưu với thần linh, giao lưu với cộng đồng, con người với con người, do đó lúc nào diễn tấu cồng chiêng là để thông báo với các thế lực thần linh.

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm

Nói như vậy nghĩa là diễn tấu cồng chiêng thường gắn liền với các nghi thức, nghi lễ và mang ý nghĩa linh thiêng. Vậy bà có ý kiến như thế nào về quyết định mới đây của UBND tỉnh Đắc Lắc đưa diễn tấu cồng chiêng thành một sản phẩm du lịch, và được biểu diễn định kỳ 2 lần mỗi tháng?

Bà Linh Nga Niê kđăm: Ching chiêng của Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nó không chỉ là phương tiện để giao lưu với các thần linh, phương tiện để thông tin với cộng đồng nữa. Bây giờ tới 90% dân số ở Tây Nguyên đã thờ 1 tôn giáo khác. Vậy thì cái nhu cầu thứ nhất là thông tin giao lưu với thần linh không còn nữa. Nhưng nó lại là di sản của văn hóa tộc người, do đó việc bảo lưu, gìn giữ và phát huy nó là việc rất quan trọng.

Tôi tán thành với việc chiêng trở thành một phương tiện để phục vụ du lịch, vì đấy là một vẻ đẹp của văn hóa tộc người của vùng đất này, tại sao chúng ta không giới thiệu. Nhưng mà theo tôi thì cách làm như thế nào, cách quảng bá như thế nào, để những lần tổ chức ấy có người xem, có khách thể có chủ thể giống như tinh thần của những lễ hội trình diễn chiêng cheng trước đây. Còn việc làm đó là quá tốt bởi vì văn hóa luôn biến đổi, văn hóa là sự sáng tạo của con người, là tâm hồn của con người, cho nên hôm nay nó như thế này, ngày mai nó lại như thế khác. Việc làm tổ chức diễn tấu chiêng cheng phục vụ cho du lịch là việc nên làm.

Tiết mục biểu diễn của đội chiêng nữ tại đêm mở màn biểu diễn cồng chiêng 15-7-2017

Nhưng liệu với cách làm này, đặc biệt là khi tách ra khỏi môi trường thiêng vốn dĩ, thì có làm méo mó đi giá trị văn hóa của hình thức diễn tấu cồng chiêng không, thưa bà?

Bà Linh Nga Niê kđăm: - Tất cả các tộc người Tây Nguyên đều có các bài bản chiêng, mỗi một lễ, mỗi một hội đều có các bài bản chiêng riêng của nó, thế cho nên khi mà người ta trình diễn ở môi trường nào thì cái bài phục vụ cho hội lễ ấy nó được vang lên. Bây giờ thì mình trình diễn trong môi tường du lịch, thế nên là, ví dụ người Ê Đê thì chỉ cần đánh bài “Iêo wit h’gum” (Về sum họp) thế là xong, hoặc là bài “Ching ngăn”- bài đánh chào khách.

Người Ê Đê thì không có múa sinh hoạt, nhưng các nghệ nhân đã sáng tạo ra bài Chi-ri-ria để mà múa sinh hoạt. Người Ê Đê cũng không có múa xoang, nhưng bây giờ điệu múa của người Gia rai, Ba na, Xơ đăng trở thành điệu múa tập thể của cộng đồng này. Tôi thì rất thích, chỉ có điều là đừng biến xoang Tây Nguyên trở thành xoè Tây Bắc, tức là mình giữ được cái gì nó là cái gốc của mình, dù nó có lai tạo một chút nhưng nó vẫn là cái của Tây Nguyên.

Một khi đã là sản phẩm du lịch thì nhất thiết nó phải đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng và du khách thì mới có thể duy trì và tồn tại bền vững, vậy theo bà thì làm cách nào để có thể dung hòa giữa việc gìn giữ được những giá trị văn hóa vốn có của cồng chiêng đồng thời tránh được sự trùng lặp và nhàm chán?

Bà Linh Nga Niê kđăm: - Cái này là khó, là phải do người đạo diễn chương trình. Mỗi một tháng có 2 lần thì 2 lần ấy nó phải khác nhau, nội dung diễn tấu nó phải khác nhau, nội dung chương trình phải đa dạng, phong phú và phải làm thế nào tương tác được với khán giả, đấy mới là chuyện quan trọng.

Cái khéo và cái giỏi của người tổ chức, làm cho chiêng của người Tây Nguyên gắn với phục vụ du lịch, phải gắn vào được không gian văn hóa hiện tại của mình, tức là không gian hiện đại. Thứ 3 nữa là tương tác được với khán giả. Làm được 3 điều ấy thì chắc chắn sẽ thành công.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.




H'xíu/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC