Hạnh phúc của bà “trẻ” bên đàn cháu cơ nhỡ, mồ côi
Thứ sáu, 10:45, 21/10/2022 Thu Hà bt Thu Hà bt
VOV4.VOV.VN - Ngay giữa thành phố Lào Cai có một người phụ nữ tuổi chưa đầy 50, nhưng gần chục năm nay đã là chỗ dựa của những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ trong vai trò của một người bà “trẻ”.

 

Một xưởng may nhỏ, một khoảnh sân đầy bóng mát và một dãy nhà nội trú nằm ven quốc lộ 4D ngay đầu vào thành phố Lào Cai là nơi cư ngụ của 17 đứa trẻ tuổi từ 5 – 14. Chúng là con em dân tộc thiểu số, đến từ các xã vùng cao của Lào Cai, hầu hết cùng chung hoàn cảnh: bố mất, mẹ bỏ đi, hoặc cơ nhỡ không nơi nương tựa.

Tất cả đều được một tay bà “trẻ” tên Hương – người phụ nữ sinh năm 1974, xuất thân trong ngành thời trang đón về chăm nuôi, kể từ năm 2014.

Bà Hương chia sẻ, Các cháu ở đây đều gọi là bà, vì nếu theo giấy khai sinh thì mẹ các cháu cũng chỉ ngang với tuổi con tôi. Thứ hai là vì tối thiểu các cháu vẫn còn mẹ. Khi đi đón các cháu tôi luôn luôn để lại số điện thoại. Tôi cũng đã được mẹ cho một số cháu. Cũng chỉ mong mẹ cháu thi thoảng gọi điện về động viên.

Mười mấy đứa trẻ ngày đi học, chiều tối lại xôm tụ về nhà bà “trẻ” Hương ăn uống, sinh hoạt, vui chơi qua từng ngày tháng êm đềm. Có 2 trẻ đã từ đây trưởng thành, lập gia đình.

Em Giàng Thị Chi –mồ côi cả cha lẫn mẹ cho biết, em sẽ không bao giờ quên ngôi nhà thứ 2 này. Cuộc sống của em trước kia khác rất nhiều. Bố mẹ mất sớm nên em ở cùng 2 anh trai và 1 chị gái. Anh chị đi làm hết còn em ở nhà 1 mình. Sau khi được bà đón xuống, có thêm rất nhiều em nhỏ ở đây em cảm thấy rất vui. Bà rất tốt và luôn quan tâm bọn em.

Dãy nhà nội trú của bà “trẻ” Hương có tổng cộng 4 phòng, mỗi phòng có khu vệ sinh riêng, thêm 1 phòng tự học chung có đầy đủ bàn ghế, máy vi tính. Các phòng sinh hoạt theo nội quy.

Buổi tối và cuối tuần, chồng bà “trẻ” Hương là công chức nhà nước cùng tham gia dạy bọn trẻ học thêm. Trong số này có 3 trẻ đang trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học trước, 1 trẻ đoạt giải 3 cấp thành phố môn Văn. Thời gian nghỉ hè, các em lớn sẽ được dạy thêm kỹ năng may – nghề truyền thống của gia đình.

Bà Hương chia sẻ, các cháu nhỏ làm việc nhỏ, các cháu lớn làm việc lớn, cháu nào cũng phải biết làm. Cứ hai ba cháu nhỏ lại có một cháu lớn ở cùng làm trưởng phòng. Trưởng phòng phải chịu trách nhiệm với ông bà nên là không vất vả. Các cháu đều có ý thức rất tốt, không bao giờ phải đánh mắng gì cả.

Nói không vất vả, nhưng thực tế để duy trì cho các em ăn học đầy đủ, và gần đây còn cưu mang thêm một bệnh nhân suy thận, suy tim nặng ngay tại nhà, ngoài đồng lương cố định của ông xã, bà “trẻ” Hương cũng phải quay cuồng với nghề may vốn là trụ cột kinh tế của gia đình. Vượt qua giai đoạn Covid-19 vừa rồi là cả một kỳ tích.

Mọi người cứ hỏi tôi sao tự nhiên làm những việc này để làm gì, nhưng nếu ai cũng nghĩ thế thì thử hỏi những đứa trẻ này chúng sẽ như thế nào. Tôi vẫn nói với các cháu bảo đấy các con xem, các con thì ngủ còn bà thì thức đến 2 – 3 giờ đêm, có những đơn hàng tôi phải thức thông 3 ngày. Để các con nhìn thấy ông bà làm như thế nào, nguồn thu để nuôi các con từ đâu, để chúng biết trân trọng những gì mình đang có. Bà Hương cho biết thêm.

Cho đi bằng “tình yêu vô điều kiện” để đổi lấy “tâm an”; đồng thời làm gương cho chính con mình để tự soi chiếu, hoàn thiện bản thân là quan niệm sống đơn giản của bà “trẻ” Hương và ông xã suốt bao nhiêu năm nay. Và những ai chứng kiến thì đều nhận thấy, cuộc sống của gia đình họ chẳng cầu kì, giàu sang nhưng quanh năm luôn ngập tràn những tiếng cười hạnh phúc./.

An Kiên/VOV Tây Bắc

Thu Hà bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC