Theo báo cáo “Từ ngà voi tới trang sức: Thị trường ngà voi bất hợp pháp tồn tại dai dẳng tại Việt Nam” của Tổ chức TRAFFIC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thực hiện: ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi được buôn bán tại 852 cơ sở kinh doanh tại 13 tỉnh, thành phố và 60 cửa hàng online đang hoạt động trên 17 diễn dàn trực tuyến trong khoảng thời gian từ tháng 11/2016 đến tháng 06/2017.
Kết quả khảo sát cho thấy vẫn có tới hơn 10.500 sản phẩm từ ngà voi đang được bày bán trên thị trường, điều này thể hiện nhu cầu đối với các sản phẩm này vẫn luôn tồn tại mặc dù ngà voi là một trong số những mặt hàng đã bị cấm buôn bán tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy: Việc buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi tại các cửa hàng và trên mạng có mối quan hệ chặt chẽ. Các đơn vị kinh doanh các sản phẩm từ ngà voi đã và đang mở rộng thị trường của họ sang các diễn đàn trực tuyến, và ngược lại.
Khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc, là những khách hàng chủ yếu, do đó các địa điểm thu hút nhóm khách du lịch này được xem là những thị trường bán lẻ các sản phẩm về ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi. Vì thế nên các sản phẩm này thường được định giá bằng đồng Nhân dân tệ hoặc Đô la Mỹ.
Vòng tay, vòng cổ và các trang sức khác là các sản phẩm chính từ ngà voi được bày bán trên thị trường. Trang sức từ ngà voi chiếm đến hơn 90% tổng số lượng các sản phẩm được rao bán trên các diễn đàn trực tuyến và tại các cửa hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Trang sức từ ngà voi thường được thiết kế nhỏ, gọn, thuận tiện cho quá trình vận chuyển, trưng bày, mua bán và giao dịch, có lẽ vì thế nên các sản phẩm này cũng được khách hàng quan tâm nhiều nhất.
Những người bán hàng khẳng định các sản phẩm đều được làm từ ngà voi có nguồn gốc ở Việt Nam, tuy nhiên điều đó không hoàn toàn đúng khi theo ước tính Việt Nam chỉ còn chưa đến 100 cá thể voi Châu Á và phần lớn các sản phẩm bắt giữ trong nước cho thấy ngà được sử dụng trong chế tác là ngà của voi Châu Phi. Có tới 20,000 cá thể voi Châu Phi bị săn bắn mỗi năm để lấy ngà, và số ngà này sau đó chủ yếu được vận chuyển tới Châu Á để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với mục tiêu ngăn chặn nạn buôn bán trái phép ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi tại Việt Nam, Báo cáo đưa ra một số đề xuất nhằm hỗ trợ Chính phủ, các tổ chức bảo tồn và cả cộng đồng cùng chung tay hành động.
( Ảnh minh họa- VOV)
Các đề xuất bao gồm việc hoàn thiện các quy định pháp lý, tăng cường thực thi pháp luật, gia tăng rào cản, cấm và xử lý nghiêm các hoạt động bày bán công khai các sản phẩm từ ngà voi, truyền thông giảm thiểu nhu cầu sử dụng sản phẩm, tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình buôn bán trên thị trường. Việc thực hiện lại các cuộc khảo sát thị trường đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và cập nhật về khuynh hướng và thực trạng của thị trường buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi trái phép tại Việt Nam.
Năm 2013, dưới sự chỉ đạo của Ban thư ký CITES, Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động về ngà voi thể hiện vai trò và trách nhiệm của quốc gia thành viên đấu tranh chống lại nạn buôn bán, săn bắn trái phép ngà voi. Kế hoạch bao gồm các hành động cụ thể như giải quyết các vướng mắc về pháp luật, tham nhũng và quản lý vật chứng. Tuy nhiên tới tháng 10/2018, tại một hội thảo về vấn đề này Ban Thưký CITES cho rằng Việt Nam vẫn chưa hoàn thành việc đưa Kế hoạch vào hoạt động và duy trì việc thực hiện kế hoạch này một cách bền vững./.
(VOV4)
Viết bình luận