Các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam dự trữ lương thực trước mùa mưa bão
Thứ năm, 11:09, 15/09/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Những năm gần đây, các huyện miền núi cao tỉnh Quảng Nam liên tiếp hứng chịu các đợt lũ quét, sạt lở núi. Vì vậy, ngoài kho dự trữ lương thực chung của từng địa phương, người dân chủ động tích trữ gạo, thực phẩm thiết yếu có thể dùng cho cả tháng.

 

 

Xã Phước Lộc, huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam thời gian qua hứng chịu nhiều cơn lũ quét, sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng tắc đường gây cô lập thường xuyên xảy ra chỉ sau một đợt mưa lớn. Nơi đây là điểm cảnh báo nguy hiểm trên bản đồ thiên tai của tỉnh Quảng Nam. Trong 2 mùa mưa bão gần đây, cả ngàn hộ dân bị cô lập dài ngày. Để không rơi vào cảnh thiếu lương thực, trước mùa mưa bão năm nay, gia đình ông Cáo lo tích trữ gần 1 tạ gạo và nhiều thực phẩm khác.

Ông Hồ Văn Cáo, ở thôn 2, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cho biết, Khi mưa lũ xảy ra đi lại rất khó khăn, đường thì tắc mà cầu cống thì trôi hết. Vì vậy, năm nay gia đình tôi mua thức ăn, gạo, mỳ tôm để phòng sẵn trong nhà.

Hiện nay, nhiều tuyến huyết mạch lên các xã vùng cao của huyện Phước Sơn bị tàn phá nặng nề từ mùa mưa lũ năm trước vẫn chưa khắc phục xong. Việc vận chuyển hàng hóa, lương thực lên các xã vùng cao đang gặp nhiều khó khăn. Chính quyền các xã vùng cao của huyện Phước Sơn đã tiến hành rà soát tình hình lương thực trong nhân dân, khả năng cung ứng tại các cửa hàng, tạp hóa trên địa bàn để chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, chuẩn bị ứng phó với tình huống bị cô lập dài ngày.

Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ cửa hàng tạp hóa tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cho biết: Năm nào cũng sạt lở, từ 5 đến 10 ngày. Gạo, mắm muối, mỳ tôm… là những mặt hàng thiết yếu mà gia đình tôi cứ hàng năm vào mùa mưa là phải chuẩn bị đầy đủ.

Các cửa hàng, tạp hóa chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, chuẩn bị ứng phó với tình huống bị cô lập dài ngày.

Chủ động dự trữ lương thực tại chỗ là nhiệm vụ cấp bách đối với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam trong phòng chống thiên tai, bão lũ. Mỗi năm, huyện miền núi Phước Sơn đã trích kinh phí khoảng 200 triệu đồng để mua gạo, nhu yếu phẩm chuyển đến các xã vùng cao, đảm bảo không để hộ dân nào thiếu ăn trong những ngày mưa lũ, tắc đường.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, rút kinh nghiệm từ những năm trước, địa phương sớm xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều tình huống thiên tai xảy ra: Chúng tôi đã làm việc với các nhà thầu, yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện và vật liệu để khi có sự cố xảy ra thì cùng với các lực lượng của huyện, sẵn sàng thông tuyến, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại khi có sự cố xảy ra.

Nhiều tuyến huyết mạch lên các xã vùng cao của huyện Phước Sơn bị tàn phá nặng nề từ mùa mưa lũ năm trước vẫn chưa khắc phục xong.

Hai năm liên tiếp hứng chịu nhiều đợt thiên tai, hầu hết diện tích lúa nước của người dân miền núi bị bồi lấp và bỏ hoang. Mất ruộng, bà con không tự chủ được nguồn lương thực tại chỗ. Trước thực tế này, tỉnh Quảng Nam đã tăng nguồn gạo dự phòng để cấp phát cho người dân hoàn cảnh khó khăn. Đến thời điểm này, phần lớn gạo hỗ trợ đã về đến kho gạo của các thôn và trường học tại các xã vùng cao huyện Phước Sơn.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trước mùa mưa lũ, tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra tình hình tích trữ lương thực tại các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở tại miền núi. Các địa phương vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam thì lương thực, thực phẩm phải được dự trữ trước, bắt đầu từ thời điểm 20 đến 25 tháng 8 trở đi và kết thúc là 15 tháng 9.

Người dân chủ động tích trữ gạo, thực phẩm thiết yếu có thể dùng cho cả tháng.

Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kịch bản tổng thể về phòng tránh thiên tai trên địa bàn miền núi. Hiện, các khu tái định cư vùng sạt lở đã xây dựng hoàn thành, người dân miền núi dọn về ở trong những ngôi nhà mới khang trang, an toàn trước mùa mưa bão. Trước mùa mưa bão năm nay, người dân vùng cao tỉnh Quảng Nam chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai./.

 

Long Phi/ VOV miền Trung

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC