Tham dự có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, lãnh đạo tỉnh Hà Giang.
Tại Hà Giang, điểm cầu truyền hình trực tiếp được thực hiện tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên. Chương trình đã ghi lại ký ức của những người còn sống về những trận chiến đấu, hy sinh anh dũng, về đồng đội. Đặc biệt là câu chuyện ngày 19.1.1985, trong cuộc chiến bảo vệ điểm cao 685 mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, sư đoàn 365 đã hy sinh ngay trước đêm giao thừa. Tháng 8.1985, liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.
Ông Khắc Ba - Đại đội trưởng đại đội 5, chỉ huy trực tiếp của trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh nay sống ở Tân Kỳ (Nghệ An) kể rằng, chỉ trong ba ngày khốc liệt nhất, 17,18,19/1/1985 (tức 27 đến 29 tết) đại đội 5 đã hy sinh 43 người, trong đó, trung đội của ông Ninh là trung đội mũi nhọn hy sinh gần hết, chỉ có hai người sống sót. Đại đội 5 phải đối đầu với lực lượng địch đông lên đến cả tiểu đoàn. Trưa 19/1, Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh bị thương vào chân, đại đội trưởng Thái Khắc Ba giục đồng đội Nguyễn Viết Ninh lên cáng về tuyến sau nhưng ông vẫn ôm khẩu AK, quyết “bám đá” đúng như lời thề trên báng súng. Cuối chiều 29 tết, ông Ninh bị thêm một vết thương vào đầu và hy sinh. Khi đồng đội mang xác về, ông vẫn ôm chặt khẩu AK trước ngực.
Hình ảnh liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh đã bất khuất hy sinh khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa bất tử” đã lan tỏa khắp mặt trận. Dòng chữ “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hoá đá bất tử” sau đó được truyền tai nhau và dường như trở thành thứ “vũ khí tinh thần”, một khẩu hiệu sắt đá của những người lính chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên.
Điểm cầu Hà Giang cũng chia sẻ thêm câu chuyện về những người trẻ viết tiếp Bài ca không quên, như câu chuyện Chè chốt biên cương. Theo đó, vượt con đường ngoằn nghèo dẫn lên một ngôi nhà ở bản Nà Toong. Từ ngôi nhà này nhìn ra điểm cao 1509 mây mù bao phủ. Nơi đây từng là chiến trường khốc liệt. Bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ vùng biên cương, phên dậu Tổ quốc. Chính từ chiến trường đó, cái tên Chè chốt- Hà Giang (Chè chốt biên cương) xuất hiện. Theo cha ông truyền lại, lúc đó, bộ đội đóng quân trên các điểm cao, xung quanh có các cây chè mọc tự nhiên. Cán bộ, chiến sỹ hái trà pha uống để thêm phần tỉnh táo trước âm mưu thâm độc của kẻ thù. Từ vùng đất năm xưa là chiến trường ác liệt, giờ đây là 1 hợp tác xã của những người lao động trẻ với sản phẩm đặc trưng từ chiến trường năm xưa./.
Cùng xem lại một số hình ảnh về điểm cầu Hà Giang tối 27/7:
Lại Hoa/VOV1
Viết bình luận