Từ trung tâm thành phố Móng Cái, qua chặng đường dài hơn 30 km, chúng tôi đến với xã biên giới Hải Sơn. Đường từ xã Bắc Sơn lên xã Hải Sơn với nhiều khúc cua tay áo, chiếc xe máy chồm lên như chực lao xuống vực. Tiếp tục băng hơn 2 km đường rừng, chốt kiểm soát số 26 dưới ánh đèn mập mờ trong sương giá dần hiện ra trước mắt.
Nơi đây chỉ cách Trung Quốc một con suối, địa hình xung quanh lại toàn rừng núi, đường mòn lối mở nhiều nên các đối tượng thường xuyên lợi dụng để buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.
Pha vội ấm nước chè bằng phích nước mới được tiếp tế, Thiếu tá Trương Minh Đào, tổ trưởng chốt kiểm soát số 26 cho biết: Với địa hình toàn rừng núi, sông thì rất cạn, chỉ ngang ngang đầu gối, nên các đối tượng thường xuyên lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép bằng nhiều đường. Có những trường hợp khi nhận được thông tin nhập cảnh trái phép từ bà con, anh em đều phải lùng sục tất cả các khu vực đồi núi, bụi tre hay bờ suối.
Thời tiết biên giới mùa này khắc nghiệt, sương muối bao phủ toàn bộ khu rừng cạnh chốt, nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 10 độ C.
Nhiệt độ trên chốt về đêm xuống chỉ còn 10 độ C
Đặng Ngọc Minh, sinh năm 2001 là chiến sĩ trẻ được tăng cường đã quen với công việc vất vả ở chốt. Minh chia sẻ: Em đi lính năm nay cũng là năm thứ 2, đợt em nhập ngũ lại trùng với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Có thể Tết năm nay là cái Tết thứ 2 của em trên lán chốt biên giới. Thực hiện nhiệm vụ tại đây trong suốt 2 năm qua, em cũng thấu hiểu được phần nào khó khăn vất vả của một người lính Biên Phòng. Bây giờ em chỉ mong dịch Covid-19 được kiểm soát tốt để mọi thứ trở về bình thường.
Càng về đêm, nhiệt độ càng xuống thấp, màn sương dày hơn khiến tầm nhìn xa bị hạn chế, sự tập trung của các chiến sĩ được đẩy lên cao độ. Vác vài bó củi thu được từ lúc đi tuần, chiến sĩ Lục Xuân Thống và Đặng Ngọc Minh nhanh chóng đốt một đống lửa sưởi ấm. Bên đống lửa bập bùng, các cán bộ, chiến sĩ tranh thủ gọi về cho gia đình. Sóng điện thoại chập chờn.
Thời gian ở bên đống lửa, các chiến sĩ tranh thủ hỏi han nhau, gọi điện thoại về cho gia đình.
Đã gần 30 năm công tác ở trong quân ngũ, thế nhưng nhiều lúc Trung tá Trần Văn Quyên vẫn không thể giấu được cảm xúc nhớ nhà, nhớ gia đình sau mỗi lần gọi về cho vợ con. Anh cho biết: Chúng tôi xác định là nhiệm vụ chính trị, bảo vệ tổ quốc phải đặt lên hàng đầu. Phía sau là gia đình, người thân của mình, quê hương của mình, dân tộc của mình. Chúng tôi sẵn sàng hi sinh sức khỏe, thời gian và tất cả những gì có thể, gác lại mọi nỗi nhớ gia đình, quê hương để bám trụ nơi biên giới, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc.
Gần 2 năm triển khai các lán, chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới cũng là ngần ấy thời gian cán bộ, chiến sĩ biên phòng bám trụ thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và khí hậu khắc nghiệt.
Trung tá Nguyễn Thành Lê, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết: Tết đến xuân về, Đồn cũng sẽ phối hợp cùng bà con trong xã đến động viên tinh thần các cán bộ, chiến sĩ trên các chốt. Những ngày Tết, ai cũng nhớ về gia đình, chính vì vậy, chúng tôi luôn đảm bảo chế độ cho cán bộ chiến sĩ ở lại trực Tết, đặc biệt là 10 tổ chốt trên biên giới, làm sao các cán bộ, chiến sĩ đón một cái Tết giống như ở nhà, ấm cúng, tình cảm và có sắc xuân của ngày Tết.
Câu chuyện của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn trên chốt kiểm soát biên giới 26 chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần, gác lại nỗi niềm riêng, những người lính quân hàm xanh vẫn bồng chắc tay súng, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vừa từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19./.
Thành Nam/VOV Đông Bắc
Viết bình luận