Doanh nghiệp chế biến nông sản ở Yên Bái gặp khó khi xuất khẩu
Thứ sáu, 11:53, 25/06/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Giá xuất khẩu giảm sâu, chi phí vận tải tăng cao, lượng hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường nước ngoài hạn chế khiến các doanh nghiệp chế biến nông sản ở Yên Bái gặp nhiều khó khăn

 

Công ty Cổ phần chè Nghĩa Lộ là một trong những doanh nghiệp chủ lực của tỉnh Yên Bái trong việc thu mua nguyên liệu cho bà con, đồng thời tổ chức sản xuất chế biến các sản phẩm chè đen phục vụ cho xuất khẩu.

Thời điểm này đang vào vụ thu hoạch chính, nhưng sản phẩm chè đen công ty sản xuất ra hiện tiêu thụ rất chậm do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, giá bán ra cũng giảm từ 4 đến 5 triệu/1 tấn. 

Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp còn tồn kho 200 tấn, mặc dù vậy công ty vẫn chủ động mua nguyên liệu cho nông dân với giá từ 3.300 đến 3.500 đồng/1kg. Tuy nhiên, nếu tiếp tục không bán được hàng, cả doanh nghiệp và người nông dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Sản phẩm chè đen của Yên Bái đang gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cho biết: Cước vận tải tăng lên tới 160 triệu đồng/1container, chiếm đến 50% giá trị hàng hóa trong 1 container, đó là cái khó khăn. Khách hàng lại yêu cầu mình thương thảo giảm giá bán để hỗ trợ cước vận tải. Điều này càng ảnh hưởng đến việc sản xuất, chế biến, kinh doanh chè của Công ty.

Hiện nay ở Yên Bái có hàng chục đơn vị sản xuất chè đen, sản lượng chè khô sau chế biến đạt khoảng 15.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu trực tiếp và ủy thác sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Tây Á, Trung Đông, Đông Âu và Liên bang Nga.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường xuất khẩu nên rất khó khăn trong tiêu thụ.

Từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, việc xuất khẩu chè từ phía các đối tác ủy thác không thuận lợi, kéo theo việc sản xuất của doanh nghiệp cũng cầm chừng, hàng tồn kho nhiều.

Ngoài ra, phía khách hàng lại yêu cầu chỉ mua những sản phẩm cấp thấp nhưng lại đòi hỏi chất lượng cao, giá phải giảm. Chính vì vậy, nếu bán được thì chi phí vận chuyển cao, thậm chí chi phí này còn cao hơn cả giá trị hàng hóa; thêm vào đó còn phụ thuộc vào đơn vị trung gian trong xuất khẩu, rồi bị chậm thanh toán tiền... Doanh nghiệp vì thế rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan 

Không chỉ mặt hàng chè đen mà một số mặt hàng nông sản của tỉnh Yên Bái như tinh bột sắn, tinh dầu quế đang gặp khó khi xuất khẩu.

Tinh bột sắn và một số sản phẩm nông sản khác cũng rất gặp khó trong tiêu thụ.

Công ty Cổ phần Lâm nông lâm sản thực phẩm Yên Bái sản xuất, chế biến tinh bột sắn với sản lượng 30.000 tấn mỗi năm, chiếm khoảng 75% thị phần, nhưng từ đầu năm đến nay giá tinh bột sắn phía thị trường Trung Quốc giảm sâu nên hiện nay doanh nghiệp này đang tồn kho khoảng 10.000 tấn chưa thể xuất khẩu. 

Ông Trần Công Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái cho biết: Phần tiêu thụ của năm nay tương đối mệt mỏi, chúng tôi đề nghị được cung cấp thường xuyên, nhiều hơn nữa những thông tin, đặc biệt là thông tin về xuất nhập khẩu, các thông tin tại các cửa khẩu, tại các quốc gia tiềm năng thế mạnh mà chúng ta thực hiện xuất nhập khẩu, để các doanh nghiệp lựa chọn, xác định được cho mình những thuận lợi, khó khăn để xây dựng những phương án tối ưu về sản xuất, kinh doanh.

Với những mặt hàng mang tính đặc thù như chè đen, tinh bột sắn hay các sản phẩm nông sản khác chỉ phục vụ xuất khẩu, ít có khả năng tiêu thụ nội địa, do đó vấn đề đặt ra lúc này là cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn trên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội như hiện nay. 

Các sở, ngành ở Yên Bái đang tăng cường  phối hợp, kết nối với các đơn vị như Cục chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn); Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Yên Bái tìm kiếm đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, có tham gia việc xúc tiến thương mại trực tuyến với thị trường Nhật Bản. Đồng thời kiến nghị với Trung ương xem xét, ban hành các chính sách, gói hỗ trợ tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để các doanh nghiệp khắc phục khó khăn duy trì và ổn định sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản hàng hóa cho người dân./.


Đinh Tuấn/VOV
Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC