Đồng bằng sông Cửu Long tăng tốc tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19
Thứ tư, 15:22, 04/08/2021 HH bt bài TTT HH bt bài TTT
VOV4.VN - Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin theo đúng kế hoạch đề ra.

Vĩnh Long hiện đang tiêm mũi 2 cho các đối tượng ưu tiên

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Cần Thơ, sau 4 ngày triển khai đợt 4, thành phố đã tiêm được khoảng hơn 21.000 liều vắc xin cho các đối tượng trên địa bàn. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 quy mô lớn nhất tại thành phố Cần Thơ.

Trong đợt này, thành phố được phân bổ hơn 84.290 liều. Ngành y tế thành phố đã nhận về 54 ngàn liều, phân bổ hết cho các điểm tiêm theo số lượng đối tượng đăng ký.
Để đảm bảo tiến độ tiêm hoàn thành từ 8 - 10 ngày, thành phố đã triển khai đăng ký tiêm diện rộng và thuận tiện cho người dân toàn thành phố. Đồng thời, huy động tổng lực nhiều lực lượng tham gia tiêm chủng, đưa các điểm tiêm đến tận xã, phường theo tiến độ vắc xin nhận được.  
Tính đến nay, TP. Cần Thơ đã tiêm 66.462 liều vắc xin cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có 6.873 người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid 19.
Ngành y tế tỉnh Tiền Giang cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch Covid-19 cho các nhóm đối tượng ưu tiên.

Theo đó, từ ngày 18/4 đã có 9.600 người được chọn trong nhóm đối tượng thuộc lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh đã được tiêm phòng. Đến ngày 02/8, toàn tỉnh đã tiêm được hơn 66.300 người cho các nhóm đối tượng tiếp theo và đang tăng cường tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm nhằm tăng miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin.

Đồng Tháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin

Đến nay, Tiền Giang đã tiếp nhận 15 đợt phân bổ vắc xin từ Bộ y tế với tổng cộng gần 235.000 liều. Ngành y tế đã tiếp nhận bảo quản và phân phối hơn 114.000 liều, đã tiêm hơn 66.000, tỉ lệ hơn 58%. Trên địa bàn tỉnh có 1.000 người tham gia công tác tiêm chủng mở rộng, và có khoảng 100 người của hệ thống tiêm chủng dịch vụ.
Dự kiến trong tháng 8, tỉnh Tiền Giang được phân bổ tiếp với hơn 2,2 triệu liều vắc xin để tiêm cho số đối tượng còn lại khoảng 1,3 triệu người. Số lượng vắc xin được phân bổ này sẽ tổ chức tiêm liên tục từ quý 4 và phấn đấu kết thúc sớm trong tháng 1/2022.

Hiện, người dân và doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang rất mong các cấp chính quyền và ngành y tế đẩy nhanh tiêm vắc xin để tiến tới miễn dịch cộng đồng; trong đó ưu tiên cho các trường hợp có tiếp xúc với nhiều người, những công nhân đang thực hiện mục tiêu kép.

Ông Phạm Nguyên Khang, Giám đốc công ty TNHH Thép Minh Trang – đơn vị đã tham gia xây dựng các công trình ở nhiều bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh cho biết, rất cần được tiêm phòng cho lực lượng lao động tại đây để góp phần vào công tác phòng chống đại dịch:
“Tôi đã đăng ký 60 chục liều nhưng chưa thấy, cần được tiêm gấp. Vì khi xây dựng bệnh viện dã chiến rồi, bệnh nhân đi vào rồi, điện, nước sẽ hư, trục trặc… thành ra công nhân còn phải lại đó bảo trì thường xuyên nữa. Nhưng mà trong đó có ca nhiễm, công nhân vô bảo trì lỡ dính về lây bệnh rồi lây ra cộng đồng luôn. Nên ưu tiên tiêm cho công nhân thi công bệnh viện dã chiến, thi công các công trình bên ngoài. Nên xem họ là người tuyến đầu. Họ hỗ trợ chống dịch mà. Bây giờ doanh nghiệp không được tiêm thì công nhân không dám đi làm”.
UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố…tăng cường công tác tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên.
Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị…

Bên cạnh đó, bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.

Được biết, tỉnh An Giang được Bộ Y tế phân bổ 3 đợt vắc xin phòng COVID-19 với tổng số gần 130.000 liều. Hiện, tỉnh đã triển khai tiêm 2 đợt, với gần 78.400 người và đang tiếp tục triển khai tiêm đợt 3.
Tỉnh Cà Mau cũng vừa tiếp nhận vắc xin COVID-19 đợt 4. Đến nay, Cà Mau đã tiếp nhận tổng cộng hơn 91.000 liều vắc xin. Công tác tiêm phòng đang được triển khai nhanh chóng.
Ngành y tế Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin với hơn 1.300 nhân viên thực hiện. Trong điều kiện giãn cách hiện nay mỗi bàn tiêm sẽ tiêm được khoảng 100 liều/ngày.

Dự kiến hôm nay tỉnh Cà Mau sẽ hoàn thành tiêm đợt 3 và sẽ có hơn 55.000 người được tiêm. Tỉnh Cà Mau có dân số khoảng 1,2 triệu người. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, để tạo miễn dịch cộng đồng cần phải tiêm cho khoảng 800.000 người trên 18 tuổi. Lượng vắc xin tỉnh này cần là trên 1,6 triệu liều.
Còn với tỉnh Vĩnh Long, trong đợt này tỉnh sẽ triển khai tiêm chủng cho gần 37.000 người trong lực lượng tuyến đầu chống dịch, tổ truy vết cộng đồng; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội. Trong đợt 4, tỉnh sẽ tổ chức ở 9 điểm tiêm trên địa bàn tỉnh gồm: 8 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và Bệnh xá Công an. Thực hiện chỉ đạo của Bộ y tế về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin COVID-19, mỗi ngày tỉnh Vĩnh Long tiêm được khoảng 6.000 đối tượng. 
Với tỉnh Bạc Liêu, đợt tiêm này sẽ kéo dài đến ngày đến 10/8/2021. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Bạc Liêu, đồng loạt tại 12 điểm tiêm trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đợt 4 cho khoảng 30.000 đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Trong 30.000 đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin lần này bao gồm đối tượng ưu tiên chưa tiêm mũi 1 trong các đợt trước; đối tượng ưu tiên đợt 4. Riêng điểm tiêm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dự kiến tiêm cho khoảng 14.000 đối tượng.
Cũng với tinh thần khẩn trương như các tỉnh khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp hiện đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tỉnh cho biết sẽ huy động lực lượng y tế tại các bệnh viện tư nhân cùng tham gia thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin với mục tiêu “Tiêm nhanh, an toàn, chất lượng”, đảm bảo quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế.
Trong đợt này Đồng Tháp được Bộ Y tế phân bổ hơn 70.000 liều vắc xin Moderna và hơn 51.800 liều vắc xin Astrazeneca, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 2 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19.

Nhóm PV CQTT ĐBSCL

HH bt bài TTT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC