Việc chuyển đổi nhằm giúp các doanh nghiệp vốn, tăng hiệu quả sử dụng đất.
Công ty Cao su Chư Sê là một trong số những doanh nghiệp thực hiện dự án Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại tỉnh Gia Lai. Công ty thực hiện 4 dự án với tổng diện tích hơn 3.000ha, trong đó, đã trồng gần 2.200 ha cao su. Đa số những diện tích này đã chết và kém phát triển.
Ở những diện tích cây cao su phát triển được, năng suất mủ cũng rất thấp, chỉ bằng một nửa so với năng suất bình quân. Diện tích cao su này, nếu để lại thì không khai thác được. Doanh nghiệp này có nhu cầu thu hồi vốn đã đầu tư trên mảnh đất này nên kiến nghị với các cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho chuyển sang cây trồng khác.
(Cao su còi cọc, không phát triển được- Ảnh: VOV)
Theo ông Kpă Thuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tình trạng cao su trồng trên đất rừng nghèo bị chết và kém phát triển, xảy ra ở nhiều dự án với tổng diện tích hơn 12.000ha và khả năng diện tích cao su chết sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
Tỉnh Gia Lai cùng các doanh nghiệp đang đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành xem xét để cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mục đích sử dụng đất đối với những diện tích này. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là trồng cây lâm nghiệp. Trong trường hợp trồng cây nông nghiệp và công nghiệp thì các doanh nghiệp phải thực hiện trồng rừng thay thế.
Cụ thể là cứ chuyển đổi 1ha thì phải trồng lại 1ha và có thể trồng ở những vùng khác. Còn điều kiện thứ hai là không trồng được thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng để giao cho các đơn vị có nhu cầu trồng rừng theo quy định. Theo tính toán của tỉnh Gia Lai, 1ha trồng rừng 3 năm chăm sóc là khoảng 64 triệu đồng.
Từ năm 2008 đến 2012, tỉnh Gia Lai đã tiến hành 2 đợt chuyển rừng sang trồng cao su, giao khoảng 35.000ha đất rừng nghèo cho 16 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện 44 dự án trồng cao su. Trong đó, các doanh nghiệp đã tiến hành khai hoang và trồng khoảng 28.000ha./.
Công Bắc/ VOV Tây Nguyên
Viết bình luận