Lai Châu nỗ lực huy động học sinh ra lớp đầu năm học
Thứ hai, 00:00, 26/08/2019 Hoàng Thái bt Hoàng Thái bt
VOV4.VN - Một năm học mới nữa lại đến với thầy trò các trường trên rẻo cao Tây Bắc. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, nơi ăn nghỉ bán trú và trang thiết bị đồ dùng học tập cho học sinh, các nhà trường ở tỉnh Lai Châu, nhất là những trường ở vùng sâu, vùng xa, biên giới đang nỗ lực huy động học sinh ra lớp đầy đủ ngay từ đầu năm.

Cũng như nhiều nhà trường vùng cao khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ngày tập trung đầu tiên của thầy và trò Trường THCS Tả Lèng, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường diễn ra nhộn nhịp, khi phần lớn học sinh đã có mặt ở trường từ nhiều ngày trước. Không khí học tập sôi nổi hơn, với các môn học ngoại khóa làm quen trường lớp. Thế nhưng, dù đã chính thức bước vào năm học mới theo kế hoạch, song vẫn còn không ít học sinh chưa có mặt ở trường và các thầy cô vẫn phải bám bản để vận động học sinh ra lớp.
Thầy giáo Nguyễn Thành Trung, người phụ trách tổ huy động học sinh ra lớp của trường tâm sự, thầy phụ trách công tác huy động ở bản người Mông Phìn Ngan - Lao Chải, cách trường hơn 6 cây số. Hiện ở bản vẫn còn một số em chưa tới lớp với lý do, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc bị phụ huynh ngăn cấm. Trong đó, nhiều em là lao động chính của gia đình, vừa đi học vừa đi làm giúp đỡ bố mẹ, nên có tâm lý muốn nghỉ học.

Đến nay cơ bản các nhà trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã cấp phát đầy đủ sách giáo khoa và vở viết đầy đủ cho học sinh được hưởng theo chế độ. (Ảnh: Khắc Kiên)

"Khi mà chúng tôi huy động thì có một vài trường học là các em học hết lớp 5, nhưng các em không xuống theo học lớp 6 nữa. Nguyên nhân là các em này là nữ, không muốn đi học nữa, nên các em vừa ở nhà giúp đỡ bố mẹ, với lại ngại xuống ở đây đi học xa, ngại xuống ở bán trú. Khi mà chúng tôi đến vận động thì đa phần bố mẹ các em cũng rất là ủng hộ thôi, nhưng mà một vài trường hợp các em muốn đi học nhưng bố mẹ không muốn cho đi học. Vài trường hợp nữa là các em học đến lớp 8, lớp 9 đã lấy chồng thì các em vẫn tiếp tục theo học, nhưng việc theo học của các em không đều".

Năm học này, Trường THCS Tả Lèng có 10 lớp, gần 400 học sinh, trong đó học sinh được hưởng các chế độ bán trú là hơn 70 em. Đây là xã vùng ba của huyện Tam Đường, với hơn 90% đồng bào Mông sinh sống, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Do đặc thù của một xã vùng cao, địa hình đồi núi dốc, chia cắt nên đến nay xã Tả Lèng vẫn còn hơn 50% số hộ thuộc diện đói nghèo. Các điều kiện khó khăn đó kéo theo nhận thức của một bộ phận đồng bào về sự học con em mình còn hạn chế.

Thầy giáo Nguyễn Văn Trưởng, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Lèng cho biết: Nhà trường đã phân cụ thể cho từng giáo viên phụ trách các bản, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và trưởng bản có trách nhiệm nắm bắt, tuyên truyền, huy động, vận động đưa các em xuống lớp. Những trường hợp nào khó vận động thì nhà trường sẽ mời trực tiếp lãnh đạo xã, cùng với các đoàn thể địa phương thành lập các tổ để xuống bản làm việc.

Một tiết học ngoại khóa của học sinh vùng cao. Ảnh: Khắc Kiên 

Năm học 2019 - 2020  này, tỉnh biên giới Lai Châu có hơn 400 trường, với hơn 140 nghìn học sinh. Đến nay ngành giáo dục địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp học, nơi ăn ở bán trú, cũng như trang thiết bị đồ dùng học tập cho học sinh. Toàn bộ số sách giáo khoa, vở viết và các đồ dùng khác cho học sinh bán trú đã được cấp đủ cho học sinh theo chế độ. Ngoài những biện pháp chỉ đạo chung, thì ngành giáo dục lai Châu đang rất mong nhận được sự hỗ trợ ủng hộ của trưởng các thôn, bản; vận động từng hộ gia đình cho con, em ra lớp học. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Lai Châu sẽ huy động sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, sự đóng góp của các tổ chức giúp đỡ vật chất, để các cháu học sinh nghèo có điều kiện đến trường./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Hoàng Thái bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC